Men Tình

02:48 16/05/2020

275

Tác giả:Lm John Nguyễn

"Trên thế gian này chẳng có vị thần nào đẹp hơn vị thần mặt trời, và chẳng có ngọn lửa nào kỳ diệu hơn ngọn lửa tình yêu" (M. Gorki). Thật vậy, tình yêu là phép mầu làm thăng hoa cuộc sống. Khi ta yêu, ta quên cả chính mình và dâng hiến cả đời sống mình cho người mình yêu. Sức mạnh của tình yêu làm nên những điều kỳ diệu trên trái đất này. Tình yêu nam nữ thường được kết ước bằng đời sống hôn nhân gia đình, và nó được nâng lên thành bí tích bất khả phân ly, mà trang Tin mừng hôm nay gợi lại cho chúng ta về giá trị cao quý của đời sống hôn nhân, nó được khởi đi từ tiệc cưới Cana.

Trong niềm vui của đôi tân hôn, Chúa Giê-su, Mẹ Maria và các tông đồ đi tham dự tiệc cưới. Thật là niềm vinh dự và hạnh phúc cho đôi tân hôn và gia đình. Thế nhưng, niềm vui chưa dứt thì biến cố đã xẩy ra khi họ hết rượu. Ngày nay, việc hết rượu là không có gì để lo lắng và bàn cải. Nhưng với phong tục của người Do thái, thì việc hết rượu là một vấn đề quan trọng đối với gia đình chủ hôn. Đối với phong tục của họ, đám cưới được kéo dài cả tuần lễ, thì việc tìm kiếm rượu không phải dễ dàng với số lượng nhiều như thế. Tất nhiên, họ phải chuẩn bị trước. Thiếu rượu thì tiệc vui sẽ chấm dứt, khách mời sẽ bỏ về, gia chủ sẽ xấu hỗ với khách mời. Trong tình cảnh khó khăn của gia đình chủ hôn, Mẹ Maria nhạy bén trước nhu cầu của họ, Mẹ nói với Chúa Giê-su: "Họ hết rượu rồi". Khi hết rượu thì cuộc vui của ngày cưới sẽ chấm dứt. Rượu được coi như là điều kiện cần thiết và không thể thiếu trong đám cưới của người Do Thái. Và Chúa Giê-su đã làm cho đôi tân hôn, gia chủ và mọi người tràn đầy niềm vui và hạnh phúc khi Ngài hóa nước thành rượu ngon để thiết đãi khách. Gioan nói đây là dấu lạ đầu tiên của Chúa Giê-su. Đồng thời, phép lạ hóa nước thành rượu cho ta thấy việc Chúa tỏ vinh quang của Ngài, mà Ngài chúc phúc cho đôi tân hôn.

Nếu trong tiệc cưới của người Do thái ngày xưa có thể xẩy ra những sự cố xấu là do thiếu rượu, thì ngày nay đời sống vợ chồng có thể xẩy ra rạn nứt, đổ vỡ và ly dị khi men tình của họ đã cạn. Hết rượu rồi cũng có nghĩa là men tình đã cạn rồi.

Chúng ta có thể ví men tình cũng giống như uống rượu vậy. Nó làm cho người ta say mê, ngây ngất và vui sướng. Hết rượu rồi thì men tình cũng đã cạn. Khi ngọn lửa tình yêu đã tắt rồi, thì hạnh phúc gia đình tan vỡ. Đời sống hôn nhân trở thành gánh nặng cho nhau. Hôn nhân trong xã hội ngày nay đang phải trải qua những cuộc khủng hoảng trầm trọng bởi sự đổ vỡ, tan nát và ly dị khi con người quá đề cao lối sống ích kỷ, hưởng thụ và dục vọng. Đó là những nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ trong đời sống hôn gia đình. Ước muốn của con người thì không bao giờ thỏa mãn những gì họ đang có. Hơn nữa, chúng ta đang sống trong một thế giới có quá nhiều sự lựa chọn và những cám dỗ của thế gian đang lôi kéo chúng ta về phía vật chất hơn là giá trị tinh thần. Đời sống tâm linh thì càng thiếu vắng, hụt hẫng trong cuộc sống đời thường. Người ta ra công sức để lo cho công ăn việc làm, lo cho sự nghiệp tương lai gia đình, con cái, đến nỗi họ không có thời giờ để nghỉ ngơi và sống cho con cái và gia đình. Sự cạnh tranh hơn thua thì càng khốc liệt bởi cách nhìn và đánh giá của người khác hơn là những gì họ cần và đang có, từ đó, cuộc sống của chúng ta càng trở nên mệt mỏi và căng thẳng hơn. Khi ta không còn quan tâm đủ đến gia đình, thì đồng tiền và danh vọng sẽ sai khiến và quyến rũ ta tìm kiếm những thú vui khác ngoài gia đình. Hơn nữa, ngày nay không phải chỉ có chuyện ly dị mà thôi, mà còn có những hôn nhân bất thường đang xuất hiện trong giới trẻ. Đó là hôn nhân đồng tính, hôn nhân thử nghiệm. Người ta không dám cam kết sống với nhau cả đời. Khi yêu nhau thì sống chung với nhau, nhưng khi họ không còn yêu nữa thì đường ai nấy đi. Họ không dám tin vào sự bền vững của tình yêu chân thật và bền vững. Họ không dám tin vào tình yêu gia đình trọn đời nên họ không dám cam kết với nhau trọn đời.

Trước thực trạng đã và đang xẩy ra trong xã hội ngày nay, chúng ta đang phải đối diện với thử thách bởi trào lưu xã hội, thì Lời Chúa hôm nay gởi đến cho chúng ta thông điệp gì?. Chúa Giê-su chúc phúc cho đôi tân hôn qua phép lạ của Ngài thì không giống như các nhà ảo thuật, mà Ngài dùng lời để hóa nước thành rượu. Và Mẹ Maria dặn gia nhân cứ làm theo lời của Chúa Giê-su, và phép lạ đã được thực hiện qua sự cộng tác của con người. Cho nên, việc Chúa Giê-su đi ăn cưới không chỉ là về tình người mà còn cho chúng ta khám phá một ý nghĩa khác và sâu hơn, đó là việc Chúa tỏ vinh quang của Ngài và nâng hôn nhân thành một bí tích qua phép lạ tại tiệc cưới Cana.

Ngày nay, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục làm phép lạ cho các đôi hôn nhân và gia đình là bằng lời giáo huấn của Ngài. Lời đó nổi bậc lên chân lý căn bản tình yêu và sự hy sinh: " Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống mình cho người mình yêu". Vì tình yêu và hy sinh là cốt lõi để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Ngược lại, người ta thường đồng hóa tình yêu với sự hưởng thụ, nhưng khi không còn cảm thấy muốn hưởng thụ nữa, thì người ta bảo men tình đã cạn và tình yêu đã hết. Với những thách thức và rạn nứt và đổ vỡ của mỗi gia đình hôm nay, chúng ta hãy mời Chúa đến trong gia đình của chúng ta, để Ngài chúc phúc, thánh hóa, chia vui sẻ buồn với gia đình chúng ta. Nếu ta thật sự có Chúa, thì gia đình trở nên êm ấm thuận hòa, mọi người cảm thấy được yêu thương và quan tâm đến nhau vì Thiên Chúa là nguồn suối của tình yêu, Ngài sẽ đổ đầy cho những ai khao khát tình yêu. Tình yêu cho đi là tình yêu cao thượng. Sự ích kỷ sẽ giết chết tình yêu.

Vào một buổi sáng tại một bệnh nhỏ. Một ông cụ già đến gặp bác sĩ để cắt chỉ vết thương ở ngón tay. Vì có cuộc hẹn lúc 9 giờ, nên ông van xin bác sỹ giúp ông kẻo trễ hẹn vì có quá đông người. Vì kính trọng cụ già, vị bác sỹ đã khâu vết thương cho ông trước các bệnh nhân khác. Trong lúc cắt chỉ và băng lại vết thương, vị bác sỹ đã hỏi: tại sao ông vội vã như vây?. Ông cụ cho biết, vì ông phải đến thăm và ăn sáng với vợ của ông tại một bệnh viện khác. Bác sỹ nói tiếp, chắc bà đang đợi và lo lắng cho ông vì ông đã đến trễ. Ông cụ trả lời rằng, bà không còn nhận ra tôi là ai cách đây đã 6 năm vì bà đã mất trí nhớ. Vị bác sỹ ngạc nhiên hỏi: ông vẫn đến bệnh viện mỗi buổi sáng dù bà không biết ông là ai sao?. Ông cười và trả lời với bác sỹ dù bà không biết tôi là ai, nhưng tôi vẫn biết bà là ai. Rồi ông cụ chào bác sỹ và ra đi.

Câu truyện tình của cụ già có thể minh họa cho một tình yêu đẹp. Đó là tình yêu chân thật và sâu sắc, nó không dựa trên vật chất, cũng không phải là sự lãng mạn, nhưng là sự chấp nhận những gì ông đã có, đang có, sẽ có và sẽ không bao giờ có. Tất cả chúng ta cần có được một tình yêu như thế trong đời. Tình yêu của ông dành cho người vợ mất trí thật là cảm động và sâu sắc. Ông vẫn tiếp tục yêu thương và hy sinh cho dù người vợ không còn khả năng để nhận ra ông. Ông chỉ biết yêu thương người vợ mà không cần sự đáp trả. Ông đã sống và thực hiện giá trị lời giao ước hôn nhân. Tình yêu không chỉ bằng lời nhưng bằng hành động cho nhau khi sướng vui cũng như lúc đau buồn. Khi mạnh khỏe cũng như lúc ốm đau bệnh tật. Tình yêu luôn là vĩnh cửu và trường tồn cho những ai sống cho tình yêu và dám hy sinh cho người mình yêu.

Để sống và thực hiện Lời Chúa hôm nay, Chúa Giê-su đã thực hiện dấu lạ đầu tiên trong khung cảnh tiệc cưới Cana, Ngài đã tỏ vinh quang và quyền năng của Thiên Chúa cho con người bằng lời của Ngài. Và phép lạ đầu tiên Chúa Giê-su đã dành cho đời sống hôn nhân, và trở thành bí tích. Tiệc cưới Cana nhắc chúng ta nhớ lại lời giao ước đã ký kết trong bí tích hôn nhân." Sự gì Thiên Chúa liên con người không được phân ly". Nguyện xin Chúa thánh hóa gia đình chúng con.