Mình Và Máu Thánh Chúa Kitô
05:52 16/05/2020
296
"Ai ăn thịt và uống máu Ta sẽ được sống đời đời" (Ga 6,59).
Với niềm tin của người Kitô hữu, Mình Máu Chúa trở nên lương thực thiêng liêng và là nguồn sống đời đời, nhưng với những người không cùng niềm tin thì họ không thể hiểu và cảm nhận được ý nghĩa lớn lao của Bí tích này. Trong Tin mừng thuật lại, khi Đức Giêsu tuyên bố: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống" (Ga 6,51), thì Người Do Thái liền tranh luận sôi nổi với nhau: " Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?". Đây có thể là vấn nạn cho nhiều người cho nhiều người về ý nghĩa Mình và Máu Chúa Ki-tô hôm nay.
Trong bối cảnh của người Do Thái thời Chúa Giê-su bấy giờ, khi nói đến việc ăn thịt và uống máu người thì là ghê tởm, khủng khiếp, họ coi máu là sự sống của con người, và chỉ có Thiên Chúa mới có quyền trên máu huyết. Cho nên, họ không ăn thịt sống khi có máu. Ngay cả thời đại của chúng ta hôm nay chẳng ai ăn thịt và uống máu con người. Cho nên, người Do thái có lý để tranh luận với Chúa Giêsu. Họ nói, ông này làm sao cho chúng ta ăn thịt và uống máu của ông ta. Và cuộc tranh luận đó càng trở nên sôi nổi và gây gắt, vì họ chỉ hiểu theo cách nhìn nhãn quan của con người, họ chưa thoát ra khỏi thế giới của xác thịt. Trong khi đó, Chúa Giêsu muốn cho họ nhận ra Người, chính là Con Thiên Chúa đến từ trời, Ngài trở nên đồng hình đồng dạng với con người, và điều đó sắp xẩy. Cho nên, Đức Giêsu xác quyết: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống”.
Hôm nay, chúng ta được nghe thuật lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô. Khi Chúa Giê-su và các môn đệ ăn lễ Vượt Qua, thì Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói:" Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy." Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, Người lại bảo các ông đây là máu Thầy, máu Giao Ước sẽ đổ ra cho muôn dân." Lời Chúa Giê-su đã giải thích cho chúng ta hiểu được ý nghĩa về Mầu Nhiệm Mình Máu Chúa, mà chúng ta đón nhận trên bàn thờ qua hy tế của Đức Ki-tô. Để minh họa cho ý tưởng trên, câu chuyện này có thể gợi lên cho chúng ta về tình yêu hy sinh Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Sau trận động đất ngày 17.1.1995 tại Kobe, Nhật bản, người ta phát hiện ra người mẹ và cô con gái bốn tuổi nằm ở dưới đóng gạch vụn đổ nát. Cả hai mẹ con đã bất tỉnh. Sau đó, những người cứu hộ đưa cả hai mẹ con vào phòng cấp cứu. Điều may mắn là họ đã được cứu sống. Khi tỉnh lại, bác sĩ hỏi, tại sao bà lại có vết thương và máu ở tay ra ? Bà mới kể lại rằng: " Khi thấy con của tôi đói, khóc la, tôi không còn sữa cho con bú, nên tôi đã lấy thanh sắt cắt cổ tay để cho máu chảy ra để cho con tôi uống." Bác sĩ hỏi thêm rằng, bà có biết làm như vậy là nguy hại đến tính mạng của mình không.? Bà ta trả lời: "Lúc đó, tôi không nghĩ đến tính mạng mình nữa, tôi chỉ mong sao cho con tôi được sống". Người mẹ chấp nhận hy sinh mạng sống mình cho đứa con, xuất phát từ tình yêu sâu thẳm của tình mẫu tử. Đứa con sống được là nhờ dòng máu của người mẹ.
Điều đó nói lên rằng, tình yêu sâu thẳm của người mẹ dành cho đứa con yêu quý của bà. Tình yêu đó khắc họa lại trái tim của Chúa Giê-su bị đâm thâu, dòng nước và máu tuôn chảy ra. Dòng máu đó là hy tế để chuộc tội cho nhân loại, và được lập lại trên bàn thờ qua bàn tay linh mục. Máu Giao Ước đã đổ ra cho chúng ta qua thập giá của Đức Ki-tô. Cái chết của Chúa Giê-su là bằng chứng sống động và là nguồn mạch ơn cứu độ cho con người. Cho nên, mỗi lần chúng ta tham dự Thánh lễ là chúng ta tham dự vào hy tế của Chúa Giê-su được tái diễn lại trên bàn thờ, mà chính Chúa Giê-su đã thiết lập Bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly trước khi đi vào cuộc khổ nạn. Mình và Máu Chúa Kito là trung tâm và nguồn mạch ân sủng cho đời sống người Kitô hữu, và tấm bánh đó được bẻ ra để phân phát cho mọi và để nuôi sống chúng ta.
Lạy Chúa, xin cho con biết siêng năng rước Mình Thánh Chúa mỗi ngày, để làm của ăn lương thực nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng cho chúng con. Và xin cho con trở nên tấm bánh cho những người anh chị em xung quanh. Amen.