Ngày Tận Thế
06:27 16/05/2020
274
Ngày nay, con người vẫn đặt ra vấn đề ngày tận thế. Theo tờ “USA Today” tuyên bố rằng, vào ngày 18/7/2016 vừa qua là ngày tận thế. Họ cho rằng trái đất sẽ bắt đầu theo quá trình đảo cực Bắc – Nam. Bên cạnh đó, lời tiên tri của tổ chức End Times và video Armageddon News cho rằng: “Lý do khiến thế giới kết thúc vào ngày 29/7/2016 là vì sự đảo lộn cực". Tất cả những dự đoán này vẫn không xẩy ra, những phán đoán sai lầm này đã làm cho một số người hoang mang và ảnh hưởng đến đời sống. Do đó, chúng ta không nên tin một cách mù quáng, thiếu nền tảng tín lý về ngày cánh chung. Với giới hạn con người, không ai có thể biết được ngày tận thế. Nhưng để trả lời cho vấn nạn này, hôm nay chúng ta sẽ được nghe Lời Chúa Giêsu giải thích về ngày tận thế khi Ngài trả lời cho người Do Thái trong cuộc trao đổi liên quan tới đền thờ Giêrusalem. Ngài nói về sự tàn phá kinh hoàng của đền thờ Giêrusalem, mà người DoThái luôn tự hào và hãnh diện.
1/ Sự sụp đổ của thành Giêrusalem.
Trong bối cảnh Tin Mừng hôm nay, thánh Luca thuật lại việc người dân Do-thái hỏi Chúa Giêsu khi nào thì ngày tận thế sẽ xẩy ra thì có điềm gì báo trước. Để hiểu hơn về ý tưởng này, chúng ta cần tìm hiểu vài nét lịch sử thành thánh Giêrusalem.
Vào thế kỷ thứ 10 trước công nguyên, vua Đavít lấy Giêrusalem làm trung tâm của nước Do Thái. Ông muốn xây một thành thánh. Kế nghiệp cha, vua Salomon đã cho xây dựng một Đền Thánh Giêrusalem trở thành nguy nga, lộng lẫy. Đền Thờ phải xây mất 46 năm, Giêrusalem được xem là thành phố thiêng liêng của ba tôn giáo lớn trên thế giới: Do thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Tài liệu lịch sử cổ Ai Cập đã nói đến Giêrusalem, có từ 3.000 năm trước công nguyên:
- Với người Do Thái giáo, Giêrusalem là nơi Đavít lập thành đô.
- Với người Kitô giáo, Giêrusalem là nơi xảy ra nhiều sự kiện cuối đời của Chúa Giêsu, nhất là biến cố tử nạn phục sinh của Ngài.
- Với người Hồi giáo, Giêrusalem là nơi giáo chủ Mahômét đã đến hành hương, là thánh địa quan trọng của họ, sau Mecca và Medina trung tâm của đạo Hồi ở Ả rập Sauđi.
Vào năm 70 sau CN, vị tướng La mã Titus đem đại quân vây hãm thành và đốt phá. Sau khi đám cháy tàn lụi, Titus ra lệnh phá huỷ Đền thờ. Trãi qua thời gian lịch sử, Giêrusalem đã bị tàn phá hai lần do người La mã. Sau chiến tranh thế giới lần I, năm 1922 Giêrusalem đặt dưới quyền kiểm soát của người Anh. Năm 1948, người Do Thái về lập quốc, chiến tranh xung đột giữa Israel và Ả rập xảy ra, Liên Hiệp quốc đã phân chia khu Cổ thành Thánh địa Giêrusalem thuộc về Israel. Hiện nay, Giêrusalem được phân chia thành hai phần rõ rệt. Phần ngoại thành được xây dựng hiện đại là những cơ quan đầu nảo của chính phủ Dothái. Phần Cổ Thành, nằm trong bức tường đá cổ xưa là các nơi thánh của Kitô giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo.
Khi nhìn về lịch sử Giêrusalem, chúng ta hiểu được điều Chúa Giêsu nói với dân chúng, Ngài đưa ra hình ảnh Giêrusalem làm biểu tượng, dù nó có nguy nga, kiên cố, tráng lệ thế nào thì cũng bị sụp đổ và tàn phá, mà người Do thái tin rằng công trình kiến trúc do tay họ dựng lên sẽ bất diệt.
2/Những điềm báo trước về ngày tận cùng.
Thời kỳ đến gần, anh em sẽ thấy có chiến tranh, hoạn lạc, dân này chống lại dân kia, nước này chống lại nước nọ, sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện. Trước khi tất cả sự việc xẩy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, bỏ tù, và đưa anh em trước mặt vua chúa quan quyền xét xử vì danh Thầy. Đây là những lời nhắn nhủ của Chúa Giê-su cho các tông đồ và dân chúng can đảm khi chứng kiến sự việc sẽ xẩy đến với họ. Ngày chung cuộc đó không đâu xa, đó chính là cái chết của mỗi người, đó là ngày tận cùng của mỗi cá nhân con người khi đối diện với cái chết. Và đây cũng là điều mà Chúa Giê-su báo cho các môn đệ biết trước về cái chết của Ngài khi lên Giêrusalem. Chúa Giêsu nói với họ “Hãy phá huỷ đền thờ này đi,Ta sẽ xây lại nó trong ba ngày.” Dân chúng đã phẫn nộ, căm phẫn và tìm mọi cách để loại trừ Ngài. Chúa Giêsu lại nói đến ngôi đền thờ thân xác Ngài, vì đó là Mầu Nhiệm Thiên Chúa. Ngài chết đi để cho nhân loại được sống và sống dồi dào, chính là ơn Phục Sinh và nguồn ơn cứu độ cho tất cả chúng ta.
Sau cùng, mỗi người chúng ta tin chắc điều này là không ai có thế biết được chính xác ngày tận thế. Nhưng điều chúng ta biế được rằng, cuộc đời mỗi người chúng ta sẽ kết thúc một ngày nào đó. Đó là ngày tận cùng của mỗi con người. Đó cũng là ý nghĩa trong bài Tin Mừng hôm nay, khi Chúa Giê-su mạc khải cho chúng ta biết về ngày cánh chung qua biểu tượng thành Giê-ru-sa-lem bị tàn phá. Những gì chúng ta có thế làm lúc này là hãy sống có trách nhiệm, chu toàn bản thân và ý thức mình là con Thiên Chúa. Chúng ta sẽ đi về đâu.Cho nên, chúng ta hãy biết tỉnh thức và cầu nguyện: “ Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống trên đầu anh em.”