Người Mù Được Sáng Mắt

07:02 16/05/2020

288

Tác giả:Lm John Nguyễn

 Bác sĩ đoạt giải Nobel trở về Công Giáo nhờ phép lạ Đức Mẹ Lộ Đức. Alexis Carrel sinh ra trong một gia đình Công Giáo tại một thị trấn nhỏ ở Pháp năm 1873. Ông tham dự thánh lễ thường xuyên và học tại trường Dòng Tên. Khi vào đại học, Carrel theo đuổi thuyết bất khả tri, và thuyết này chứng minh không có sự hiện hữu của Thiên Chúa. Từ đó, ông ta chối bỏ đức tin. Alexis Carrel là một người nghiên cứu sinh học và y học. Ông trở thành nhà khoa học nổi tiếng thế giới và đạt giải Nobel y học năm 1912. Điều gì đã xẩy ra cho ông ta để quay trở về với Thiên Chúa, đó là phép lạ Đức Mẹ Lộ Đức đã mở con mắt đức tin và dẫn dắt ông trở về.


Lúc ấy, ông cùng với một người bạn bác sĩ đang trên chuyến tàu đến Lộ Đức vào năm 1902. Ông gặp cô Marie Bailly. Cô mắc bệnh lao màng bụng. Cô ấy chỉ còn nhận thức được một nửa người và bụng thì sưng lên. Bác sĩ Carrel đã cho cô ấy dùng morphin, ông nghĩ rằng, cô không thể sống được lâu.


Khi đến hang đá Đức Mẹ Lộ Đức, người ta đổ ba bình nước lên người cô, lấy từ suối nước ở đây. Cô nói, lúc đó cô cảm thấy mình đau rát khắp cơ thể. Các bác sĩ có mặt tại đó nhìn thấy hết sức ngạc nhiên. Phép lạ đã xẩy ra bụng cô bắt đầu nhỏ lại và nhịp tim của cô cũng trở lại trạng thái bình thường.Tối hôm đó, cô khỏe mạnh và ăn tối với mọi người, như một người bình thường. Bác sĩ Carrel phải thừa nhận rằng, tất cả mọi thứ ông biết về y học không thể giải thích được sự kiện này, đây chỉ là phép lạ chữa lành.
Sau khi được chữa lành bệnh, cô Marie Bailly đã gia nhập một dòng tu. Còn nhà khoa học Alexis Carrel phải mất 25 năm suy nghĩ trong lý trí. Cuối cùng, ông đã trở về với Chúa và Giáo Hội, và ông tuyên bố rằng: “Tôi tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa, trong sự bất tử của linh hồn, trong Mạc Khải và trong tất cả những gì Giáo Hội Công Giáo dạy” trước khi ông qua đời vào năm 1939.


        Một hành trình dài đi tìm kiếm Thiên Chúa của nhà khoa học Alexis Carrel, ông ta cũng phải trải qua nhiều khó khăn và thử thách, do bởi trào lưu xã hội lôi kéo ông ta ra khỏi Thiên Chúa. Đây cũng là thảm trạng chung mà con người thời nay vẫn hoài nghi về Thiên Chúa và đường lối của Ngài trong thế giới bao la này. Thuyết hoài nghi về sự hiện hữu và quyền năng của Thiên Chúa không chỉ trong thế giới hôm nay mà ngay cả thời Chúa Giêsu. Chúng ta nghe trong đoạn Tin Mừng của thánh Gioan khi Chúa Giêsu chữa lành cho một người mù bẩm sinh được sáng mắt tại hồ Si-lô-ác. Chúng ta sẽ thấy có hai hạng người khác nhau:


Thứ nhất là người mù thể lý: đó là anh mù bẩm sinh, số phận anh thật là đau buồn, sinh ra bị mù lại còn nghèo, anh phải đi ăn xin. Cuộc đời tâm tối của anh là chuỗi ngày đau khổ vô cùng. Ấy thế mà dân chúng không xót thương anh, mà còn nguyền rủa bởi miệng người đời, họ nói: “Anh ta bị mù bẩm sinh là do tội lỗi của anh ta hay của cha mẹ nó.” Chuyện đời là thế. Họ cho rằng, anh ta phạm tội nên bị trừ phạt. Cho nên, Chúa Giêsu đã giải oan cho anh ta, Ngài trả lời: “Không phải anh ta và cũng không phải cha mẹ anh ta phạm tội, nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.” Công trình của Thiên Chúa là ban cho con người được nhìn thấy ánh sáng, nhờ ánh sáng đó họ nhận biết chân lý và công trình Thiên Chúa tạo dựng, mà nhận biết Thiên Chúa. Ấy thế mà họ vẫn không tin. Phép lạ xẩy ra ngay sau đó. Ngài dùng nước miếng và bùn thoa lên mắt anh mù. Anh đi đến hồ nước để rửa mắt, và mắt anh được mở ra và nhìn thấy. Anh nhận ra Chúa Giêsu là một vị ngôn sứ và sắp mình xuống trước mặt người.


        Thứ hai là những người bị mù tâm linh: đó là nhóm Pha-ri-siêu và một số người Do thái, họ không tin đó là phép lạ chữa lành của Chúa Giê-su. Họ đi hỏi lại cha mẹ anh ta và anh ta về sự việc đã xẩy ra, bởi sự hoài nghi và lòng ganh tỵ của họ, đã làm cho họ trở thành kẻ mù lòa: mù tâm linh, mù thể lý và mù cả lý trí. Họ buộc tội Chúa Giêsu vì chữa bệnh vào ngày Sa-bát. Cuộc tranh luận giữa nhóm nguời chống đối với anh ta càng trở nên căng thẳng và gây gắt hơn. Chúa Giêsu đến để trả lời cho họ: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại bị mù lòa.” Hóa ra họ là những người mù mà không biết mình bị mù bởi sự kiêu căng và tự phụ.
Sau cùng, nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng, đức tin là một ảo tưởng, không thực tế trong hữu hạn thế giới vật chất, những thứ có thể sờ, thấy, đếm, đong. Nhưng đức tin là khả năng nhận biết dưới ánh sáng Chúa Kitô, đó là chân lý mà người không có đức tin sẽ không nhận ra được. Người có đức tin là người có giác quan nhìn thấy được xa hơn thế giới vật chất này. Như Albert Einstein (1879–1955), người đặt nền cho vật lý hiện đại (Thuyết tương đối), giải Nobel 1921: ông ta nói: "Những ai nghiêm túc nghiên cứu khoa học đều chắc một điều là trong tất cả những định luật của vũ trụ đều có bóng dáng của một thần linh siêu vượt lên trên con người và chúng ta phải cảm thấy mình thật thấp kém”


        Lạy Chúa, mỗi ngày sống, xin cho con có đôi mắt đức tin để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời. Amen.