Sám Hối Là Một Hành Trình Trở Về
02:53 16/05/2020
307
Vào đúng 20 giờ, 28 tháng 2 năm 2013, khi hồi chuông thánh đường đổ 8 tiếng, các vệ binh Thụy Sĩ đóng cổng điện Castel Gandolfo ở đông nam kinh thành Rôma. Lá cờ trắng vàng của Tòa thánh cũng được hạ xuống, kết thúc một triều đại giáo hoàng với tiếng tung hô ‘‘Viva Il Papa’’ (Vạn tuế đức thánh cha).
Đáp lại lòng yêu mến của đoàn chiên Chúa, Đức Giáo hoàng Bênêdictô XVI đã có lời từ biệt khiến cho nhiều người phải cảm động và rơi lệ. Ngài nói:" Cám ơn các con. Cha rất sung sướng cùng các con với vẻ đẹp quanh đây của trời đất và với tấm lòng của các con. Các con biết ngày hôm nay đối với cha thật là đặc biệt. Sau 20 giờ, cha không còn là Giáo hoàng của Hội thánh Công giáo nữa, chỉ là người lữ hành khởi đầu chặng đường cuối trong cuộc hành trình lữ thứ trần gian...". Hình ảnh của ngài sẽ mãi mãi ở trong trái tim của hàng tỷ người trên thế giới, ngài là mục tử nhân lành với trái tim hiền hòa và khiêm tốn. Như lời tổng thống Đức, ông Joachim Gauck đã nói:" Đức Giáo Hoàng Bênêđictô là người có trí tuệ tuyệt vời và sự khiêm tốn của con người. Quyết định thoái vị của ngài cần có lòng can đảm và tự nhìn thấy chính mình". (VietCatholic.net).
Từ sự kiện này có thể đưa chúng ta đi vào ánh sáng Lời Chúa hôm nay với điểm trọng tâm, đó là sự sám hối. Khi có mấy người đến kể lại cho Chúa Giê-su nghe về cuộc nổi dậy của nhóm người Ga-li-lê với quân đội Rô-ma đã gây đổ máu trong Đền Thờ. Những người kể lại sự cố này để mong được Chúa tỏ ra liên đới với các đồng bào của mình trong vụ tàn sát này. Nhưng Chúa Giê-su đã không đồng tình với quan niệm của họ, Ngài nói: " Nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết như vậy." Nghe lời nói này, có kẻ cảm thấy khó chịu vì Ngài không bênh vực cho chính nghĩa theo cách nghĩ của họ. Nhưng Ngài lưu ý họ rằng, người Ga-li-lê ấy chẳng tốt cũng chẳng xấu hơn bọn lính Rô-ma, hoặc những người Do-thái đang vây quanh Người. Vì dưới thời Rô-ma chiếm đóng, thì việc bạo động và tàn sát dân chúng thì không thể tránh khỏi. Chỉ có hoán cải và sám hối thì mới có thể làm con người ta trở nên tốt hơn.
Cũng như mười tám người bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông nghĩ rằng họ là những mắc tội nặng hơn tất cả mọi người trong thành Giê-ru-sa-lem sao?. Ngài đã trả lời cho họ lần nữa:" Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết như vậy." Từ hai biến cố xẩy ra, Chúa Giê-su chỉ bảo cho họ việc làm cần thiết là sám hối. Bởi lẽ, vì họ tự cho mình là người tốt lành, sạch tội, còn những người bị chết, bị tai nạn là xấu xa tội lỗi.
Có lẽ, nhiều người trong chúng ta cũng giống như những người Do-thái ngày xưa có những điều thắc mắc và khó đón nhận cách nói của Chúa Giê-su về việc quân lính Rô-ma giết chết những người Ga-li-lê, hay những người bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đã giết chết họ. Từ những sự khó hiểu này, chúng ta cần tìm hiểu sâu hơn về bối cảnh trong đoạn Tin mừng này. Với quan niệm của người Do-thái lúc bấy giờ, thì sự chết, bệnh tật hay tai nạn đổ máu thường bị coi là hình phạt của Thiên Chúa, cho nên, Chúa Giê-su muốn chỉnh lại ý niệm sai lệch của họ về Thiên Chúa. Họ tin vào sự thưởng phạt của Thiên Chúa giống như các vua chúa và quan tòa của thế gian.
Ngày nay, chúng ta cũng có ý nghĩ như thế. Khi thấy sự bất hạnh, tai nạn giáng xuống trên người khác, thì ta bảo là đáng tội, Chúa phạt là phải, nhưng khi chúng ta gặp tai nạn, rủi ro và thử thách thì ta lại hỏi: " Tôi làm gì nên tội sao Chúa lại để tôi gánh chịu như vậy? Chúng ta hay đưa Thiên Chúa làm những chuyện ác của loài người. Tin mừng hôm nay cho ta thấy rõ khía cạnh của vấn đề. Chân lý của Thiên Chúa thì vượt qua công lý của loài người, và Nước Chúa thì không chỉ hệ tại ở đời này mà là đời sau. Như lời Chúa Giê-su đã công bố:" Nước Tôi không thuộc về thế gian này". Và chúng ta cũng thường đọc câu này: "Nếu như Ngài chấp tội, nào ai sống nỗi được ư.". Cho nên, những bất hạnh, khó khăn và thử thách trên đời này chỉ là những biện pháp giáo dục và giúp cho ta ý thức về tội lỗi của mình. Vì Thiên Chúa là Tình Yêu đầy lòng yêu thương chúng ta, cho dẫu tội của chúng ta có đỏ như son, thì Ngài vẫn yêu thương chúng ta. Vấn đề là chúng ta có nhìn ra chính mình để sám hối? Hay, chúng ta cũng giống như cây vả béo tốt bên ngoài với cành lá sum sê, nhưng chẳng sinh hoa kết trái, rồi cũng sẽ bị chặt đi.
Với thân phận con người yếu đuối, làm sao chúng ta có thể tránh khỏi những vấp ngã trên bước đường đời với biết bao nhiêu cám dỗ và thử thách, Mùa chay là cơ hội cho chúng ta nhìn lại chính mình, để ta biết quay trở về với Thiên Chúa. Sám hối là một hành trình trở về. Trở về với chính mình và trở về với Thiên Chúa, chính Ngài sẽ chỉ cho chúng ta hướng đi mới, và làm thay đổi chúng ta với cách nhìn đối với nơi tha nhân và Thiên Chúa. Ngài sẽ tưới gội ân sủng trên con người tội lỗi của chúng ta, và ban sức mạnh để giúp chúng ta chiến thắng sự gian ác, giả trá và hận thù. Điều cần thiết cho mỗi chúng ta là lòng khiêm tốn để nhìn ra chính mình. Chúng ta là ai?.Và Thiên Chúa yêu thích những ai có lòng khiêm nhường. Như lời Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói:"Cha không còn là Giáo hoàng của Hội thánh Công giáo nữa, chỉ là người lữ hành khởi đầu chặng đường cuối trong cuộc hành trình lữ thứ trần gian...", và cuộc đời của mọi người chúng ta cũng là một cuộc lữ hành đang bước về nhà Cha.
Lạy Chúa, xin cho chúng con thật lòng ăn năn, sám hối và trở về với Chúa. Chúng con luôn xác tín rằng:" Trở về với Chúa không bao giờ là muộn". Nguyện xin Chúa Giê-su và Mẹ Maria gìn giữ Giáo hội chúng con trong cuộc hành trình mới này.