Sự Hiện Hữu Của Thiên Chúa

07:04 16/05/2020

271

Tác giả:Lm John Nguyễn

Trong hành trình đức tin nhiều khi chúng ta tự hỏi: Thiên Chúa ở đâu? Nhiều người vẫn nghi ngờ và đặt câu hỏi, có Thiên Chúa không? Thiên Chúa có hiện hữu trong thế gian này không? Triết gia người Đức Friedrich Nietzsche nói: “Chúa đã chết." Câu nói này còn được tìm thấy trong tác phẩm kinh điển của Nietzsche,  khiến cho câu nói trở nên phổ biến. Hai chữ “vô thần” luôn gợi lên trong tâm trí chúng ta một ý thức hệ đối nghịch với các niềm tin tôn giáo. Hệ thống chính trị này luôn phê phán, tuyên truyền bóp méo, kỳ thị, thậm chí là tìm cách xóa bỏ niềm tin tôn giáo, thì Tin Mừng về Chúa Giêsu phục sinh hôm nay, Chúa Giê-su đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau sẽ trả lời cho chúng ta vấn đề thắc mắc này.

Tin mừng của thánh Luca thuật lại: “Trời đã về chiều, ngày sắp tàn, đêm tối sắp đến. Tâm hồn của hai ông bị chìm trong đêm tối, cái đêm tối của nghi ngờ, đêm tối của thất vọng. Bởi vì các ông đặt tất cả niềm tin vào Thầy Giêsu mà cuối cùng Thầy Giêsu bị bắt, bị đánh đập, bị đóng đinh, giết chết trên Thập Giá. Tất cả niềm tin và hy vọng tan biến, chỉ còn lại nghi ngờ và tuyệt vọng. Đêm tối ấy đáng sợ hơn là đêm tôi về mặt không gian và thời gian tự nhiên. Chính trong tâm trạng ấy các ông thưa với Chúa Giêsu: “Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”.

Trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, có những lúc thất bại, có những đắng cay, có chán nản đến độ chúng ta đâm ra nghi ngờ sự hiện diện của Thiên Chúa. Như Đức Thánh Cha Phanxico nói: “Trong bối cảnh xã hội hôm nay, vô thần không chỉ là khái niệm dành cho những người kỳ thị tôn giáo hoặc vô tín ngưỡng, mà còn diễn tả một tình trạng đáng lo ngại nơi người Kitô hữu: đó là những người tín hữu, nhưng lối sống của họ ngược lại với những gì họ tuyên xưng. Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong bài giảng thánh lễ tại nhà nguyện thánh Mátta sáng 23-3-2017 vừa qua.

Thực trạng ngày nay, chúng ta kém lòng tin vì chúng ta không chăm chú nghe Lời Chúa, chúng ta sẽ lánh xa Ngài và quay lưng lại với Ngài. Nếu chúng ta không lắng nghe Lời Ngài, thì chúng ta sẽ tìm nghe những lời khác. Khi khước từ Lời Chúa và khi cứng lòng tin, chúng ta sẽ trở thành những người công giáo bất trung, những người dân ngoại, và tệ hại hơn là những người công giáo vô thần, bởi vì chúng ta không yêu mến Thiên Chúa hằng sống. Khi chúng ta khước từ Lời Chúa, chúng ta sẽ thờ ngẫu tượng, tức là tôn thờ vật chất và những đam mê trần tục. Việc chối bỏ Lời Chúa sẽ dẫn đến hậu quả lầm lẫn trong nhận định, trong phân biệt giữa điều thiện và điều ác.

Hiện nay, tại Hoa Kỳ có một nhóm tự xưng là vô thần, phổ biến nhiều sách và bài báo trên mạng, họ phi bác sự hiện diện của Thiên Chúa và tôn giáo, cách riêng Kitô giáo. Trong nhóm này phải kể đến Richard Dawkins, một giáo sư đại học, ông Dennett cho rằng: “Chỉ có thiên nhiên, kể cả nhân loại và các tạo dựng của vũ trụ là thực, còn Thiên Chúa thì không hiện hữu.”

Trái lại, nhà thiên văn vĩ đại Johannes Kepler nói rằng: "Thiên Chúa thật vĩ đại. Quyền năng Ngài vĩ đại và sự khôn ngoan thì vô hạn. Hãy ca tụng Ngài bằng ngôn ngữ của mình, hỡi trời và đất, mặt trời và mặt trăng, các tinh tú. Lạy Thiên Chúa và là Đấng Tạo Dựng nên con! Với trí khôn giới hạn của con, con muốn loan báo sự kỳ diệu của các công trình Ngài cho mọi người hiểu được.” Còn Nhà sáng lập vật lý lý thuyết cổ điển, Isaac Newton nói: "Điều ta biết được chỉ là một giọt nước, điều ta chưa biết là cả một đại dương bao la. Những xếp đặt và hài hòa của vũ trụ chỉ có thể xuất phát từ bản vẽ của một Đấng toàn năng và toàn tri.”


Thế thì, chúng ta đang nghĩ gì về Chúa phục sinh và sự hiện diện Thiên Chúa trong thế giới này và trong tâm hồn chúng ta hôm nay! Như Thánh Phaolô đã nói: "Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng."