Sự Sống Không Mất

04:29 16/05/2020

285

Tác giả:Lm John Nguyễn

Khi đối diện với cái chết, ai trong chúng ta cũng lo âu và sợ hãi, vì chúng ta không biết mình phải chết thế nào và sẽ đi về đâu. Chẳng ai có kinh nghiệm về cái chết. Chết là sự chia lìa và mất mát.

Cách đây hơn mười năm, ngày tôi còn học ở đại chủng viện, tôi kết bạn thân với một thầy cùng trường. Chúng tôi rất quý mến nhau.Vì là bạn thân, tôi thường được nghe thầy ấy chia sẻ về những ước mơ và dự định về đời sống linh mục sau này. Thầy ấy nói với tôi rằng, sau khi được làm linh mục, thì thầy sẽ xin đi mục vụ ở giáo xứ vùng quê nghèo. Ước mơ của thầy thật giản dị và đơn sơ, thế nhưng điều đó đã không xẩy ra, vì thầy đột ngột ra đi trong một tại nạn xe. Khi nghe tin thầy mất, anh em chúng tôi bàng hoàng sửng sốt và thương tiếc, vì thầy còn rất trẻ và sắp được chịu chức linh mục. Nhưng Chúa lại chọn thầy đi con đường khác, và thầy đã bỏ lại tất cả với những dự định và ước mơ tươi sáng của mình. Sự ra đi đột ngột của thầy làm cho cha mẹ và người thân rất đau buồn. Vì thương nhớ con, người cha đâm ra bệnh tật, ốm đau và cũng đã ra đi vĩnh viễn cùng thầy sau đó.

Khi viết về cái chết của người bạn, nó gợi cho tâm trạng tôi thương nhớ và buồn về sự ra đi của người thân, người ta yêu thương. Những ngày qua chúng ta đã theo dõi báo chí, truyền hình và các thông tin truyền thông về cuộc tìm kiếm chiếc máy bay của Mã-lai bị mất tích với 239 sinh mạng con người vẫn chia tìm thấy. Chúng ta cảm nhận được nỗi đau tột của người mẹ từng ngày từng giờ trông ngóng đứa con quay trở về. Còn gì đau đớn xót xa hơn, khi nghe tin người yêu bị chìm sâu dưới đáy đại dương. Và những người vợ người con đang sống trong sự chờ đợi vô vọng. Chúng ta không có thể diễn tả hết nỗi đau tột cùng sâu thẳm của sự chia lìa, mất mát và tang thương này, mọi người chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho các linh hồn được mau siêu thoát và an lạc trên quê hương vĩnh cửu. Đó là lời an ủi và chia sẻ thiết thực cho những người thân của nạn nhân.

Trước sự vô vọng và đau thương nhân loại, thì Lời Chúa hôm nay cho chúng ta niềm hy vọng và tin tưởng về sự sống sau cái chết. Chết không phải là hết mà là một sự thay đổi để bước vào một thế giới mới, vào sự sống mới triết xuất từ Thiên Chúa. Vì mọi người đều phải chết, đó là quy luật của nhân sinh. La-da-rô đã chết. Cái chết của anh đã làm cho Chúa Giê-su phải rơi lệ vì anh ta còn quá trẻ. Ngài đau buồn vì mất đi một người bạn. Giọt nước rơi xuống là nỗi đau sâu lắng và chân thật nhất của tâm hồn, và giọt nước mắt ấy đã biến thành động. Chúa đã cho La-da-rô sống lại sau cái chết. Phép lạ này cho mọi người thấy rằng, Ngài là Con Thiên Chúa thật, Đấng có quyền năng trên sự chết.

Cái chết và sự sống lại của La-za-rô là để báo trước cho dân chúng về công cuộc cứu độ của Đức Ki-tô sẽ xẩy đến. Ngài chết vì tội lỗi của nhân loại và Ngài đã vâng theo ý định của Thiên Chúa Cha. Nhưng ba ngày sau đó, Chúa Giê-su đã sống lại, sự sống đã chiến thắng, chúng ta tin rằng, Lời Chúa là trường tồn và vĩnh viễn: " Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù có chết, cũng sẽ được sống đời đời."

Hôm nay, Chúa Giê-su đã cho chúng ta nhận ra được ý nghĩa đích thực của cái chết. Vậy ta còn nghi ngờ gì nữa!. Chết không phải là hết mà là sự thay đổi. Chết là ra khỏi thân xác này để bước vào một thế giới mới. Chúng ta thường hát:

" Sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi
Lúc con người nằm yên giấc ngủ
Mắt nhắm lại rồi là thấy tương lai
Trọn kiếp người nay không còn nước mắt, nụ cười
Nhưng con tin rằng ngày mai trong Chúa
Chẳng có nỗi buồn đẹp mãi niềm vui!"

Nếu cuộc sống chỉ thay đổi chứ không mất đi, thì chúng ta phải sống sao cho có ý nghĩa, sống có ích trước mặt Chúa và tha nhân khi ta sống trên trần gian này. Cuộc sống hiện tại là hành trang và thước đo cho ta bước đi về nhà Cha trên trời. Hành trang đó là đời sống đức tin và việc làm của chúng ta.

Thiên đàng là chốn yêu thương và hạnh phúc nhất, thì cuộc đời này sống có ý nghĩa duy nhất là yêu thương. Sống phong phú nhất là yêu thương. Sức sống thanh cao nhất là tình yêu. Tất cả phép lạ của Chúa Giê-su là đáp trả lòng tin và tình yêu thương của hai chị em Mác-ta và Maria.

Hơn nữa, Chúa Giê-su thể hiện tình thương của Thiên Chúa dành cho con người bằng chính Con Một Thiên Chúa đã xuống thế làm người, hy sinh, chuộc tội và chịu chết cho nhân loại được sống và sống dồi dào. Nhờ sự phục sinh vinh quang của Ngài đã mở ra cho chúng ta niềm tin và hy vọng vào Nước Trời mai sau.

" Sự sống không mất nhưng chỉ đổi thay
Đã qua bao ngay trọn một kiếp này
Dù sống hay chết tin vào ngày mai
Sự sống không mất nhưng chỉ đổi thay!"

Lạy Chúa, xin cho con biết sống giây phút hiện tại cho tốt, cho đẹp lòng Chúa và anh chị em, để mai này con cũng được về cùng Chúa trên thiên đàng. Amen.