Sửa Lại Con Đường
05:30 16/05/2020
306
Khi nói đến con đường, chúng ta nghĩ đến những con đường chúng ta đang đi hàng ngày. Có những con đường bằng phẳng, êm ái, rộng rãi và cũng có những con đường quanh co, gồ ghề khó đi. Từ hình ảnh con đường quen thuộc có thể dẫn chúng ta đến gần với trang Tin mừng hôm nay, thánh Gioan Tiền Hô kêu gọi chúng ta: "Hãy dọn sẵn con đường cho Chúa đến, sửa lối cho thẳng để Người đi".
1. Hãy dọn sẵn con đường cho Chúa đến. Khi đọc đoạn Tin mừng này, tôi nhớ có một lần một bạn trẻ đã hỏi rằng, ngày nay có quá nhiều con đường thì làm sao chúng ta biết được Chúa đến bằng con đường nào để dọn cho Chúa đến.? Từ câu hỏi này, chúng ta cần hiểu và tìm lại ý nghĩa về con đường của Gioan Tẩy Giả. Ngài dùng hình ảnh con đường làm biểu tượng cho lối sống của người Do thái lúc bấy giờ. Trong sách I-saia đã viết: " Hãy mở một con đường cho Đức Chúa. Mọi thung lũng hãy lấp cho đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống." Đôi khi, trong cuộc sống bị bế tắc, chúng ta đi tìm cho mình một con đường để giải thoát, hoặc tìm một lối đi tốt đẹp hơn, vì con người luôn khao khát sống hạnh phúc và vươn tới tương lai phía trước. Nhưng đâu là con đường đích thức để cho ta bước đi! Với trải nghiệm cuộc đời, chúng ta xác nhận rằng, ngày nay, có quá nhiều con đường hấp dẫn đang lôi kéo chúng ta vào trò chơi thế gian, đó là: con đường của dục vọng lạc thú, tiền tài và danh vọng. Tất cả những con đường đó làm cho chúng ta trở nên mù lòa và lạc lối. Từ câu hỏi của bạn trẻ đặt ra, chúng ta sẽ tìm đâu ra con đường chân chính cho Chúa đến, nó ám chỉ một ý nghĩa với thực trạng xã hội ngày này, mà chúng ta cần suy gẫm và nhìn lại đời sống của của chúng ta. Thánh Gioan Tẩy giả miêu tả con đường của tâm hồn, con đường của nội tâm, vì chính con người là chủ thể làm nên những con đường. Thánh Gioan nói dọn lại con đường đồng nghĩa với dọn lại tâm hồn. Đó là con đường của ăn năn và sám hối. Vì khi ta sám hối là lúc ta nhận thức về tội lỗi của mình, nhờ đó chúng ta có thể thay đổi đời sống. Cho nên, dọn lại con đường, chính là dọn lại cõi lòng để cho Chúa đến.
2. Sửa lối cho thẳng để Người đi. Lòng sám hối đích thực thì không dừng lại trong việc nhận thức tội lỗi của mình. Vì nếu chỉ có nhìn nhận tội lỗi, thì nó có nguy cơ biến dạng thành một thức công thức dày vò lương tâm, như là một hối nhân, chỉ hối hận khi lầm lỡ phạm tội. Trái lại, lòng ăn năn sám hối là sống trong ơn tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa, thì chúng ta mới cảm nhận được tình yêu sâu xa, mà chúng ta đón nhận được nơi Thiên Chúa giàu lòng xót thương. Chúng ta cảm nhận tình yêu lớn lao này như những người con hoang đàng biết quay trở về với người cha nhân từ.
Thật vậy, trước mặt Chúa, chúng ta chỉ là những tội nhân, nhưng Ngài vẫn yêu thương và tha thứ cho chúng ta. Chúng ta nhớ câu chuyện hai người vào đền thờ cầu nguyện, một người Pharisiêu tự cho mình là đạo đức thánh thiện, ông ta kể cho Chúa nghe tất cả những việc lành phúc đức mà ông ta đã làm. Sau đó, ông ta lại khinh chê người thu thuế. Lối sống đạo của ông Pharisiêu là một hình thức trá hình, ông ta tự cao mình, lấy mình làm trung tâm. Có nhiều người cảm thấy tự hào, vì không phạm tội ngoại tình, không trôm cắp, chém giết ai, không ăn gian hối lộ, và sống đúng với lề luật của Chúa và Giáo hội, đây là một thứ hình thức an tâm giả tạo, nhưng tâm hồn thì trống vắng và giữ đạo chỉ là bổn phận phải làm, nên họ không có nhiệt huyết và lạc lõng. Thánh lễ trở nên nhàm chán. Một tiếng đồng hồ ngồi trong nhà thờ cảm thấy nặng nề. Với lối sống đạo này, nó càng trở nên phổ biến và đang chịu ảnh hưởng bởi sự hưởng thụ và thỏa mãn của con người. Cho nên, hôm nay thánh Gioan Tẩy Giả nhắc bảo chúng ta hãy sửa lại lối suy nghĩ cho ngay thẳng, và sống sao cho phù hợp với giá trị Tin mừng, chúng ta đừng ngủ mê và thỏa mãn với cái bản ngã thấp hèn, kẻo chúng ta chẳng được ích gì khi chúng ta bị lôi ra trước tòa Thiên Chúa. Mùa vọng là thời gian giúp cho chúng ta sống lại tâm tình chờ đợi và hy vọng Chúa đến với chúng ta bằng con đường thiêng liêng, chính là cửa lòng được mở ra để đón chờ Chúa ngự đến.
3. Để dọn và sửa lại con đường của tâm hồn, chúng ta thì cần có thái độ khiêm tốn và làm việc lành. Bởi vì, những hố sâu và đồi núi của sự kiêu căng, tự mãn đã là cho tâm hồn chúng ta ra u mê. Chúng ta đang ngủ mê trong tham vọng và lạc thú thế gian. Thánh Gioan cảnh báo chúng ta: " Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần". Ngài nhấn mạnh đến sự sám hối là điều cần thiết nhất, để cho Chúa đến với chúng ta. Sự sám hối nào cũng cần có thái độ khiêm tốn, chấp nhận yếu đuối và tội lỗi của mình, nhờ đó chúng ta được Chúa đụng chạm, sửa đổi và hoán cải, mà thánh Gioan gọi đó con đường của nội tâm. Nhờ đó, chúng ta làm mới lại mối tương quan với Thiên Chúa và tha nhân bằng những con đường yêu thương, tha thứ, bác ái và hòa bình. Đó là cách thức giúp chúng ta sửa lại con đường trong Mùa vọng này, để chúng ta chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa Giáng Sinh. Amen.