Tài chánh Vatican trước khủng hoảng đại dịch Covid-19

00:10 22/05/2020

302

Tài chánh Vatican trước khủng hoảng đại dịch Covid-19

Tình trạng tài chánh của Tòa Thánh vốn gặp khó khăn từ nhiều năm, nay trở nên trầm trọng hơn nữa vì đại dịch Covid-19, cùng với sự suy giảm khả năng tài chánh của Quốc Gia Thành Vatican, nhưng LM Bộ trưởng kinh tế của Tòa Thánh bác bỏ viễn tượng ”phá sản” của Tòa Thánh.

Báo động của giới truyền thông

 Trong những ngày qua, báo chí đã nói nhiều về ”chân trời u ám” trong tình trạng tài chánh của Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican. Bắt đầu là một bài dài của báo Il Messaggero (Người Sứ Giả), số ra chúa nhật 10-5-2020, thuật lại nội dung cuộc họp trong tuần trước đó của ĐTC và các vị Bộ trưởng cũng như các vị lãnh đạo khác của Tòa Thánh. Sau cuộc họp đó, không có thông cáo chính thức nào được công bố, nhưng báo ”Người Sứ Giả” đã đưa tin về nội dung cuộc họp, theo đó trong cuộc họp thượng đỉnh ấy, các vị hữu trách đã đưa ra những dự báo cho năm 2020 này và ”chân trời có những đám mây dầy đặc”.

 Theo báo này, ĐTC đã yêu cầu tất cả mọi cơ quan hãy ”dè xẻn”, không thu nhận nhân viên mới, loại bỏ những chi phí không cần thiết, không du hành và không tổ chức các hội nghị và tập trung tất cả tiền bạc của các cơ quan nơi Apsa, tức là sở quản trị tài sản của Tòa Thánh.

 Thiếu hụt trầm trọng

 Theo một nghiên cứu do Bộ Kinh tế của Tòa Thánh thực hiện, tình trạng tệ nhất có thể xảy ra cho năm 2020 này là các biện pháp hạn chế chi phí không hữu hiệu và số thu nhập của Tòa Thánh sẽ giảm từ 50 đến 80%, khiến cho mức thiếu hụt sẽ lên tới 175%.

 Các vị đặc trách tài chánh và kinh tế của Vatican đề nghị ĐTC củng cố vai trò của Cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh (Apsa) là cơ quan có nhiệm vụ trang trải các chi phí của Tòa Thánh, bắt đầu từ việc trả lương cho các nhân viên: củng cố bằng cách tập trung các tiền bạc của các cơ quan Tòa Thánh vào Apsa, kể cả số tiền của các bộ đang nằm trong ngân hàng Vatican, cũng được gọi là Viện Giáo Vụ (IOR).

 Việc tập trung này sẽ giúp quản lý hữu hiệu hơn các nguồn tài chánh, gia tăng khả năng đầu tư, dễ dàng theo dõi và hạn chế các rủi ro, bảo đảm tôn trọng các nguyên tắc luân lý đạo đức.

 Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19

 Giống như nhiều quốc gia khác, Tòa Thánh cũng phải chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng quốc tế hiện nay, nhưng có điều khác là Tòa Thánh chỉ có thể cậy dựa vào sự dâng cúng và đóng góp hảo tâm của các tín hữu, và một phần nhờ những hoạt động thương mại qua những cuộc đầu tư. Trong những năm gần đây, lợi tức hàng năm của Tòa Thánh vào khoảng 270 triệu mỹ kim, trong khi số chi bình quân lên tới 320 triệu mỹ kim. 45% số chi dành để trả lương cho khoảng 3 ngàn nhân viên, thêm vào đó có chi phí cho các tòa sứ thần, việc bảo trì các bất động sản. Số tiền chi cho các hoạt động bác ái của Tòa Thánh vào khoảng 24 triệu mỹ kim một năm. (Il Messaggero 10-5-2020)

 Bộ trưởng Kinh tế của Tòa Thánh lên tiếng

 Bài của báo ”Người Sứ Giả” tạo nên lo âu trong dư luận, và nhiều người e ngại Vatican có thể sẽ bị ”sập tiệm” hoặc ”phá sản” sau đại dịch Covid-19 này. Vì thế, hôm 13-5 vừa qua, cha Juan Antonio Guerrero Alves, dòng Tên, mới làm Bộ trưởng Bộ Kinh Tế của Tòa Thánh từ tháng giêng năm nay, đã phải lên tiếng qua một cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican và một vài cơ quan khác, qua đó Cha nói rõ hơn về vấn đề tài chánh của Vatican, nhất là xác quyết tình hình này vốn đã khó khăn từ nhiều năm rồi, nay lại bị đại dịch Coronavirus làm gia tăng cường độ, nhưng không có nguy cơ Tòa Thánh bị ”sập tiệm”. Cha cũng hy vọng kết toán chi thu của Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican sẽ được công bố trong năm nay, sau khi bị ngưng từ năm 2015 đến nay.

 Cần hiểu đúng vai trò và sứ vụ của Tòa Thánh

 Cha Guerrero nhấn mạnh rằng ”Vatican không phải là một xí nghiệp, mục đích của Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican không phải là kiếm lợi tức. Mỗi bộ, mỗi cơ quan của Tòa Thánh là một dịch vụ và mỗi dịch vụ đều có tốn phí. Sự dấn thân của chúng tôi phải có đặc tính điều độ và minh bạch tối đa. Cần phải để ý đến đặc tính của Tòa Thánh như một sứ vụ.”

 Cha Guerrero cũng nhắc nhở rằng con số chi thu của Tòa Thánh nhỏ bé hơn nhiều so với những người người ta tưởng tượng, ví dụ nhỏ hơn chi thu của một đại học trung bình ở Mỹ.

 Về điểm này, từ lâu người ta vẫn ghi nhận ngân sách của Tòa Thánh chỉ bằng 1 phần 4 so với tổng giáo phận Koeln bên Đức, hoặc gần bằng 1 phần 4 ngân sách của Đại học Notre Dame của dòng Thánh Giá, bang Indiana ở Mỹ. Đại học này có ngân sách mỗi năm khoảng 1 tỷ 300 triệu mỹ kim.

 Thực trạng tài chánh của Vatican

 Cha Guerreo xác nhận rằng: trong những năm từ 2016 đến 2020 hiện nay, số thu của Tòa Thánh khoảng 270 triệu mỹ kim và số chi là 320 triệu. Số thu nhập đến từ những tiền dâng cúng và đóng góp, từ tiền cho thuê các bất động sản và tiền lời cho các hoạt động tài chánh của một số cơ quan. Đóng góp quan trọng cho số thu của Tòa Thánh là Quốc gia thành Vatican, đặc biệt là tiền thu nhập của Bảo tàng viện Vatican, và một phần đóng góp của Ngân hàng Vatican, cũng gọi là Viện Giáo Vụ.

 Chi phí

 LM Bộ trưởng kinh tế của Tòa Thánh cũng xác nhận về số chi: khoảng 45% dành để trả lương nhân viên, 45% cho các chi phí hoạt động và quản trị, 7,5% cho các hoạt động bác ái. Trong những năm qua, số thiếu hụt mỗi năm từ 60 đến 70 triệu. Cha Guerrero nhấn mạnh rằng đằng sau số thiếu hụt ấy có sứ vụ của Tòa Thánh, của ĐTC, phục vụ Giáo Hội hoàn vũ.

 Cha Guerro cũng nói thêm rằng: có những người nói Tòa Thánh dùng đồng tiền thánh Phêrô vốn là đồng tiền bác ái, để lấp đầy lỗ hổng trong ngân sách. Nhưng nói như vậy là không đúng. Đồng tiền thánh Phêrô là tiền các tín hữu dâng cúng để tài trợ sứ vụ của ĐTC, trong đó có cả các hoạt động bác ái của ngài.

 Nhìn nhận cần tăng cường thông tin cho dư luận

 Trước sự hiểu lầm như vừa nói của dư luận, Cha Guerrero nhìn nhận rằng: ”Có lẽ chúng tôi phải giải thích rõ ràng hơn.. Đàng sau các con số đó có các chi phí cho các hoạt động truyền thông, thông tin cho Giáo Hội hoàn vũ và thế giới những hoạt động và giáo huấn của ĐTC, bằng 36 thứ tiếng.. Hoạt động của các cơ quan này chiếm khoảng 15% ngân sách và có hơn 500 người làm việc trong lãnh vực này. 10% ngân sách dành cho các Sứ quán của Tòa Thánh, vốn bé nhỏ, nhưng giữ vai trò quan trọng trong các quan hệ quốc tế, bênh vực quyền lợi của người nghèo, thực hiện chính sách đối thoại, những cố gắng kiến tạo hòa bình. 10% khác dành cho các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, thường bị bách hại. Hoạt động của Bộ Truyền giáo chiếm 8,5% phục vụ hơn 1.100 giáo phận ở các xứ truyền giáo.

Nguồn: Vatican News