TẠI SAO GỌI ĐỨC MARIA LÀ NỮ VƯƠNG?
23:14 21/08/2020
400
Trong trung tuần tháng 8, phụng vụ mừng lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, chúng ta đã hiểu được ý nghĩa về lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời; và hôm nay, ngày 22-8, Giáo hội tiếp nối mừng kính tước hiệu là lễ “ĐỨC MARIA NỮ VƯƠNG”. Vậy thì tại sao Đức Maria được gọi là Nữ vương? Đây là chủ đề con chia trong bài viết sau đây giúp quý ông bà anh chị em hiểu về ý nghĩa của ngày lễ này.
Trước khi trả lời câu hỏi, thiết tưởng cần ghi nhận vấn đề về dịch thuật. Trong tiếng Việt, tựa đề của lễ phụng vụ là “Đức Maria Nữ vương”. Danh từ “Nữ vương” xem ra không còn thông dụng trong ngôn ngữ hàng ngày. Trong tiếng La-tinh là Regina, dịch sang tiếng Pháp là Reine, và tiếng Anh là Queen. Tuỳ theo văn mạch mà danh từ này được dịch là Nữ hoàng hay Hoàng hậu: “Nữ hoàng” nếu thực quyền cai trị (tựa như nữ hoàng Elizabeth II bên Anh), “Hoàng hậu” nếu chỉ là phu nhân của vua.
Như vậy phải dịch thế nào cho đúng: Đức Maria là nữ hoàng hay là hoàng hậu?
Đức Maria không phải là hoàng hậu, bởi vì Người không phải vợ vua. Đức Maria không phải là Nữ hoàng, bởi vì Người không nắm quyền cai trị.
Nếu Đức Maria không là nữ hoàng, không là hoàng hậu, thì là Nữ vương chứ còn gì nữa?
Thực ra, đây không phải là vấn đề dịch thuật cho bằng vấn đề tư tưởng thần học. Trước đây, trong các kinh đọc, danh từ Regina còn được dịch là “Bà Chúa” (hay Chúa Bà) nữa, chứ không phải chỉ là Nữ vương mà thôi! Những từ ngữ này đã trở thành xa lạ đối với nhiều người hiện nay, bởi vì họ đã đi lên trong chế độ dân chủ xã hội, không còn biết đến cách tổ chức triều đình vua chúa nữa. Tuy nhiên, sự khó khăn không chỉ thuộc lãnh vực dịch thuật từ ngữ cho bằng ý nghĩa thần học. Như đã nói trên đây, từ ngữ Regina trong tiếng La-tinh (hay Reine tiếng Pháp, và Queen tiếng Anh) có thể được áp dụng cho một bà đang giữ quyền cai trị một nước, hay là một bà vợ của ông vua. Làm sao có thể áp dụng cho Đức Maria được?
Như vậy, gọi Đức Maria là Nữ vương cũng không đúng nữa hay sao?
Nên biết rằng phụng vụ và thần học sử dụng nhiều từ ngữ với nghĩa biểu tượng, chứ không theo nghĩa chính xác của vật lý hay toán học. Chẳng hạn như khi nói đến Đức Maria hồn xác lên trời, chúng ta đừng hiểu rằng Người được đưa lên không trung như nữ phi hành gia, và chúng ta có thể đáp máy bay (hay thuê hỏa tiễn) để đuổi theo. “Trời” không hiểu theo nghĩa vật lý không gian, nhưng là theo nghĩa biểu tượng, tức là chính Thiên Chúa. Như vậy, khi nói đến đức Maria là Nữ vương, chúng ta cũng cần hiểu theo nghĩa biểu tượng, chứ đừng giải thích theo nghĩa chính trị xã hội.
Thế nào là nghĩa biểu tượng của “Nữ vương”?
Vừa nghe đến nghĩa biểu tượng, thì ta có cảm tưởng đang bàn luận về triết học trừu tượng, nhưng thực ra tôi chỉ muốn nói rằng chúng ta hãy cố gắng gạt bỏ một vài lối hình dung phàm tục, và cố gắng khám phá ý nghĩa thần học của nó. Thực vậy, chúng ta không thể nào hiểu đức Maria là nữ hoàng, theo nghĩa là cai quản vũ trụ, bởi vì chỉ có Thiên Chúa mới là Chủ tể của vũ trụ mà thôi. Đức Maria cũng không phải là hoàng hậu, bởi vì người không phải là bà vợ của ông vua nào hết. Tước hiệu Nữ vương của Đức Maria chỉ có thể hiểu đúng nghĩa trong mối tương quan với Đức Kitô là Vua. Đức Maria không phải là vợ của Vua Kitô nhưng là thân mẫu của Vua, nghĩa là Thái hậu.
Đức Kitô là vua theo nghĩa nào?
Chúng ta đừng nên quên rằng lúc còn tại thế, đức Giêsu đã nhiều lần bị hiểu lầm vì danh hiệu này. Nhiều người (kể cả các môn đệ nữa) trông mong Người sẽ tái thiết vương triều của Đavít, nghĩa là làm vua nước Israel, giải phóng dân tộc khỏi ách ngoại xâm, mang lại thái bình an lạc cho toàn dân. Những tiếng đồn đó cũng đã đến tai nhà cầm quyền Rôma, khiến cho tổng trấn Philatô lo ngại, và muốn đức Giêsu xác minh: “Ông có phải là vua không?”. Đây là cơ hội tốt để đức Giêsu giải thích ý nghĩa chính xác về vương quyền của mình. Người không phải là vua theo nghĩa chính trị; Người không đi tranh giành quyền thế với ai khác. Sứ mạng của Người là thiết lập vương quyền của Thiên Chúa, nghĩa là thiết lập chủ quyền của sự Thiện và sự Sống, trên sự Ác và sự Chết. Đức Kitô là vua theo nghĩa đó.
Đức Kitô lên ngôi vua lúc nào?
Đức Kitô lên ngôi vua, không phải qua cuộc đảo chính hay khởi nghĩa, nhưng là qua cái chết trên Thập giá và cuộc Phục sinh. Sự Phục sinh đánh dấu cuộc chiến thắng tội lỗi và cái chết, không những cho riêng bản thân đức Giêsu mà còn cho cả nhân loại nữa.
Còn đức Maria làm nữ vương vì được sống lại giống như Chúa Giêsu, phải không?
Đúng thế, nhưng cần phải bổ túc thêm nhiều điều nữa. Thứ nhất, như vừa nói, do cuộc Tử nạn và Phục sinh, Đức Kitô lên làm vua, nghĩa là thống trị tội lỗi và cái chết: điều kiện này không chỉ dành riêng cho cá nhân của Người, mà còn cho tất cả nhân loại nữa. Nói khác đi, tất cả chúng ta đều được làm vua với đức Kitô. Đó là điều mà Tân ước nói đến nhiều lần khi nhắc nhở chúng ta về danh giá của người Kitô hữu: họ là thành phần của một dân tộc tư tế, ngôn sứ, vương giả (xc. 1 Pr 2,9; Kh 1,6; 5,9; 20,4-6). Tất cả chúng ta đều được tham dự vào vương quyền của Đức Kitô. Tuy nhiên, trong hàng ngũ các Kitô hữu, Đức Maria được tham dự vương quyền một cách độc đáo, bởi vì Người đã thực sự được chia sẻ vào cuộc chiến thắng tội lỗi và sự chết, đang khi chúng ta còn phải vất cả chiến đấu với các thực trạng đó.
Khi tuyên xưng đức Maria là Nữ vương, Giáo hội chỉ muốn nói rằng Người đã được chia sẻ sự sống lại như Chúa Kitô, hay là còn dụng ý gì nữa?
Chắc rồi. Tất cả chúng ta đều thông dự vào vương quyền của đức Kitô, nhờ bí tích thánh tẩy. Còn đức Maria thông dự vào vương quyền của đức Kitô qua cách thức khác. Người đã cộng tác với đức Kitô trong công cuộc cứu chuộc nhân loại, kể từ khi chấp nhận làm Mẹ đấng Mêsia cho đến cây thập giá. Vì thế nhiều giáo phụ không ngần ngại ví Đức Maria như bà Eva mới. Thánh Phaolô ví đức Kitô là ông Ađam mới: ông Ađam nguyên tổ nhân loại đã đưa nhân loại đến chỗ chết, còn đức Kitô đã mở cửa sự sống cho nhân loại, trở thành nguyên tổ cho dòng dõi mới, cho nên đáng gọi là ông Ađam mới. Thế nhưng, khi đọc lại trình thuật về tội nguyên tổ, ta thấy rằng khi phạm tội, ông Ađam có sự đồng lõa của bà Eva; còn khi cứu chuộc nhân loại, đức Kitô cũng có sự hợp tác của một phụ nữ là Đức Maria, vì thế Người đáng được gọi là bà Eva mới.
Do đó, đức Kitô là vua thì đức Maria là hoàng hậu, phải không?
Đúng vậy, duy có điều là bà Eva là vợ của ông Ađam, còn đức Maria là mẹ chứ không phải là vợ của đức Kitô. Nói cách khác, Đức Maria là thái hậu, chứ không phải là hoàng hậu.
Thái hậu, hoàng hậu, hay nữ vương: đó chỉ là các tước hiệu danh dự, hay còn nói lên một chức phận nữa?
Đây không chỉ là tước hiệu danh dự, nhưng còn nói lên chức phận nữa. Trước hết, chúng ta đừng nên quên những lời Chúa Giêsu cảnh cáo các môn đệ. Họ mong cho Người sớm lên ngôi, để họ được phong làm quan đại thần. Đối lại, Người răn bảo họ rằng trong Nước Trời thì không phải như thế: kẻ lớn nhất thì phải trở nên người phục vụ, theo tấm gương của chính Người đã đến để phục vụ chứ không phải để phục vụ. Khi tuyên xưng Đức Maria là nữ vương, Giáo hội tin chắc rằng Mẹ không mong chiếm danh dự ngồi trên ngai cao để cho thiên hạ kính nể, nhưng ngay từ lúc Truyền tin, Mẹ đã tự nhận là kẻ tôi tớ, phục vụ con em trong gia đình: phục vụ qua việc chuyển cầu cho họ trước toà Chúa, hoặc khuyên lơn an ủi con cái mình khi chúng gặp gian truân. Chức phận Thái hậu tăng thêm lòng tin tưởng của các tín hữu vào sự chuyển cầu của Mẹ.
Nguồn gốc Đức Maria được kêu cầu như là Nữ vương?
Trong Tân ước, không có chỗ nào gọi Đức Maria là Nữ vương. Các giáo phụ cũng ít khi dùng tước hiệu này. Danh hiệu cổ điển nhất là Theotokos, Thánh Mẫu (Thiên mẫu). Sang thời Trung cổ thì việc sử dụng danh hiệu được phổ biến hơn, điển hình là các bài thánh ca Salve Regina (Lạy Nữ vương), Ave Regina caelorum (Kính Lạy Bà, vị Nữ hoàng Thiên quốc) nay còn sử dụng vào cuối giờ Kinh Tối; hoặc các câu khẩn nguyện trong phần cuối của kinh cầu Đức Mẹ: Nữ vương các thánh thiên thần, nữ vương các thánh tổ tông, vv. Còn lễ phụng vụ thì mới hơn. Sau khi đức thánh cha Piô XI thiết lập lễ kính Chúa Giêsu là Vua (thông điệp Quas primas, năm 1925) thì nhiều phong trào yêu cầu thiết lập một lễ tương tự kính Đức Maria. Đáp lại thỉnh nguyện đó, vào ngày 11 tháng 10 năm 1954 (dịp bách chu niên tuyên bố tín điều Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội) đức thánh cha Piô XII đã quyết định cử hành lễ Đức Maria Nữ vương vào ngày 31 tháng năm (cuối tháng dành kính Đức Mẹ). Sau công đồng Vaticanô II, cuộc cải tổ lịch phụng vụ đã dành ngày 31 tháng 5 làm lễ Đức Mẹ thăm viếng (trước lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy giả, vào ngày 24 tháng 6), và dời lễ đức Maria Nữ vương vào 22 tháng 8, bát nhật lễ Đức Maria hồn xác lên trời: giữa hai lễ này có sự nối kết tư tưởng, như chúng ta nhận thấy khi suy gẫm kinh Mân côi, mầu nhiệm thứ bốn và thứ năm mùa Mừng.
Thứ 4: Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời, ta hãy xin cho được ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.
Thứ 5: Đức Chúa Trời thưởng Đức Bà lên trời (hay còn gọi Đức Mẹ là Nữ vương), ta hãy xin cho được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước thiên đàng.
SÁCH HIỂU ĐỂ SỐNG ĐỨC TIN