Thứ bảy sau Chúa Nhật II Phục Sinh.

06:28 13/04/2424

111

HỌ THẤY CHÚA GIÊSU ĐI TRÊN BIỂN 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.

Chiều đến, các môn đệ Chúa Giê-su xuống bờ biển. Rồi lên thuyền, sang bên kia, trẩy về hướng Ca-phác-na-um. Trời đã tối, mà Chúa Giê-su vẫn chưa đến với họ. Bỗng cuồng phong thổi lên, biển động mạnh. Khi chèo đi được chừng hai mươi lăm hay ba mươi dặm, thì họ thấy Chúa Giê-su đi trên mặt biển, tiến lại gần thuyền, họ hoảng sợ. Nhưng Người nói với họ: “Chính Thầy đây, đừng sợ”. Họ định rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc ấy, thuyền đã đến nơi họ định tới.

Suy niệm

THIÊN CHÚA LUÔN HIỆN DIỆN

(Ga 6, 16-21)

Tin Mừng hôm nay nói đến sự sợ hãi bối rối nơi các Tông đồ. Có lẽ chẳng phải do tình cờ mà các thánh sử đã đặt phép lạ Chúa Giêsu đi trên mặt nước liền sau phép lạ hoá bánh ra nhiều. Cả hai phép lạ có chung một chủ đề là quyền năng của Chúa Giêsu trên thiên nhiên và các vật vô tri vô giác. Trước mỗi phép lạ các môn đệ đều bị đẩy vào tình trạng lo sợ.

Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta cảm thấy bị Thiên Chúa bỏ rơi, bỏ mặc cho bão táp xô đẩy. Thật ra Ngài vẫn có đó. Ngài ban cho chúng ta lý trí, tự do, ý chí và ân sủng để có thể lướt qua sóng gió cuộc đời. Có thể đến khi thuyền cập bến chúng ta mới được đối diện với Thiên Chúa, nhưng không vì thế mà cho rằng Ngài vắng mặt, bởi vì Ngài thấy trước những gì sẽ xảy ra và những gì Ngài sẽ làm.

Phúc âm hôm nay muốn cho chúng ta thấy một Chúa Giê-su có quyền năng, không tùy thuộc vào những giới hạn thiên nhiên áp đặt. Chúa Giê-su đi trên mặt nước không bị chìm, không bị nguy hiểm bởi sóng to gió lớn trên mặt biển. Quyền năng của Chúa được diễn tả bằng lời xác nhận của Ngài: “Thầy đây, đừng sợ”. Trong Phúc âm Gio-an cách nói: “Ta đây (Thầy đây) Ego sum”, đó là cách nói diễn tả về Thiên Chúa, nhắc đến Gia-vê Đấng mạc khải cho Mô-sê “Ta là Đấng tự hữu”.

Chúa Giê-su đi trên mặt biển đến với các Tông đồ để mạc khải cho các ông nhận ra Ngài là Thiên Chúa, là Đấng tự hữu. Đáp lại, thái độ của dân chúng chỉ nhìn Ngài như một tiên tri, một con người phi thường và muốn tôn Ngài lên làm vua. Họ hiểu sai về Chúa. Biến cố Chúa đi trên mặt nước chứng tỏ cho các môn đệ nhìn thấy một thực thể đúng thật là Ngài. Ngài là Thiên Chúa, là “Đấng Tự Hữu”.

Giữa phong ba thử thách của cuộc đời, xin cho chúng ta luôn tin tưởng vào sự hiện diện quyền năng và yêu thương của Chúa, nhờ đó chúng ta an tâm đi chọn cuộc hành trình và đạt tới bến bờ an bình. Xin cho chúng ta luôn nghe được tiếng Chúa nói: “Thầy đây, đừng sợ” để luôn vững tin trong mọi hoàn cảnh. A-men.

Lm. Giu-se Vũ Công Viện