Thứ Hai tuần VIII thường niên.

05:57 27/05/2424

95

NGƯƠI HÃY ĐI BÁN TẤT CẢ GIA TÀI RỒI ĐẾN THEO TA

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người chạy lại, quỳ gối xuống trước Người và hỏi: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?” Chúa Giêsu trả lời: “Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt, hãy thảo kính cha mẹ”. Người ấy thưa: “Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ”. Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: “Ngươi chỉ còn thiếu một điều là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”. Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh, và bảo các môn đệ rằng: “Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao”. Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó. Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: “Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa”.

Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Như vậy thì ai có thể được cứu độ?” Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: “Ðối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự”.

Suy niệm

THEO CHÚA PHẢI KHÓ NGHÈO

(Mc 10,17-27)

1. Đức Giê-su nhấn mạnh đến sự chọn lựa của một người đi theo Chúa: chọn của cải trần thế hay kho tàng Nước Trời? Người thanh niên trong bài Tin Mừng là một người giàu có và giữ đạo đức từ thuở nhỏ.  Nhưng khi Đức Giê-su đưa ra một điều kiện cao hơn  là chia sẻ của cải cho người nghèo, thì anh ta chán nản bỏ đi. Đức Giê-su cho thấy: để được vào Nước Trời, không chỉ giữ đúng, giữ đủ lề luật, không làm gì hại đến ai như anh nhà giàu kia, mà còn phải thực thi bác ái. Vì chỉ ai sẵn sàng trở nên nghèo khó để mưu ích cho anh em, mới xứng đáng đón nhận ơn cứu độ.

2. Nhìn lại cuộc sống của người thanh niên trong Tin Mừng hôm nay, xem ra anh ta quả là một người đạo hạnh, vì tuân giữ các giới luật của Thiên Chúa từ lúc còn nhỏ. Thái độ sống của anh khiến chúng ta phải kính nể. Do đó, ước muốn trở nên hoàn thiện của anh là một điều chính đáng.

Tuy nhiên, khát vọng trở nên hoàn thiện không chỉ là những điều phải tuân giữ như anh ta nghĩ, mà còn phải thể hiện một cách mạnh mẽ hơn và triệt để hơn, đó là dám đánh đổi tất cả để được sự hoàn thiện ấy. Đức Giê-su đã “đánh” vào điểm yếu của người thanh niên, khi Ngài đưa ra một cuộc “trao đổi” cho anh: bán tất cả tài sản để có một kho tàng khác; đổi cả một gia tài cả đời dành dụm để được một sự hoàn thiện, và đổi cái có trong tay lấy cái không thấy được. Kết quả, anh ta không dám đánh đổi. Anh đành rút lui. Vâng, tiền bạc có thể mua được nhiều thứ nhưng không thể mua được sự thánh thiện.

3. Trong truyền thống Do thái, của cải giàu sang là bằng chứng sự hiện diện và chúc lành của Thiên Chúa, còn nghèo khổ là dấu chỉ xa cách Thiên Chúa và bị Ngài chúc dữ. Đức Giê-su sửa sai quan niệm duy vật đó của người Do thái, bằng cách đảo lộn bậc thang giá trị của tâm thức trần gian. Thánh Mát-thêu và Lu-ca trình bầy điều đó trong Hiến chương Nước Trời hay Tám mối phúc thật, còn thánh Mác-cô thì lồng khung nó trong con đường của Đức Giê-su tiến về thập giá và Núi Sọ, trên con đường ấy thái độ sống đúng đắn nhất, đó là tín thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa và Lời Ngài.

4. Đức Giê-su không dạy chúng ta khinh thường của cải trần gian, nhưng Ngài chỉ khuyến cáo chúng ta rằng của cải trần gian có thể là một chướng ngại trầm trọng cho ơn cứu rỗi. Khi nó không được dùng để phục vụ tha nhân, thì của cải có thể trở thành dụng cụ ích kỷ, nguồn gốc của bất chính hoặc phô trương lừa gạt. Của cải có thể trở thành sự dữ, khi nó khép kín con tim và tâm trí chúng ta trong ngục tù của ích kỷ và hưởng thụ, khi nó ngăn cản chúng ta sống yêu thương và quảng đại, khi nó không cho chúng ta sống hoàn toàn tự do khỏi mọi tù ngục trói buộc con người.

5. Thực ra, Đức Giê-su không lên án người giàu có, cũng không chúc lành cho người nghèo. Bằng chứng: những người đàn bà thánh thiện đi theo Chúa, họ là những người giầu có, đem tiền của trợ giúp Ngài và các môn đệ trong công việc truyền giáo, họ đâu bị kết án? Cũng như khi Ma-ri-a, em của Mát-ta và chị của La-da-rô, đem bình thuốc thơm mà Giu-đa đánh giá đến 300 đồng (công nhật một người thợ thời ấy là một đồng). Ngài đi dự những bữa ăn sang trọng của người biệt phái giàu có (Lc 7,36-38) hay những người thu thuế có tiền (Lc19,1-10). Vậy Chúa lên án những gì.

Ngài lên án những người không biết dùng tiền của, làm nô lệ cho tiền của. Thật khó cho người giàu có thể trở nên một Ki-tô hữu chân thật khi họ coi đồng tiền là chúa tể. Điển hình là người thanh niên hôm nay, anh không dám hay không đành dấn thân theo chân Chúa, như Phê-rô và các bạn  ông đã làm.

Truyện: Đứng trên của cải.

Có một người giàu có kia thường xuyên đến xưng tội với thánh Phi-líp-phê Nê-ri. Ông có nhiều tiền của, có thiện chí, nhưng ông vẫn cảm thấy mình không đạt được sự tiến bộ nào trên đường thiêng liêng. Từ chán nản đến thất vọng, cuối cùng ông bỏ cuộc và không trở lại xưng tội với thánh nhân nữa. Thấy ông đã lâu không đến xưng tội, thánh nhân tìm đến nhà ông để gặp ông. Sau một hồi trò truyện, ngài nhìn lên cây Thánh giá trên tường, ngài cân nhắc độ cao của Thánh giá rồi đề nghị với người đàn ông giàu có: ”Ông là người cao lớn, ông thử với coi có tới Thánh giá không”. Ông đứng dậy giơ cánh tay lên cố với nhưng không thể nào chạm tới Chúa Giêsu trên Thánh giá. Bấy giờ thánh Phi-líp-phê dùng hết sức đẩy cái hòm tiền của người giầu đến bên cạnh ông và bảo ông hãy đứng lên trên cái hòm tiền để với tới cây Thánh giá. Ông làm theo ý thánh nhân và sờ được Chúa Giê-su trên Thánh giá. Sau đó ngài nói với ông: ”Để có thể nắm lấy được Chúa Giê-su, để có thể tiến bộ trên đường thiêng liêng, chúng ta cần phải đứng trên tiền bạc của cải”.

Chúa Giê-su bảo chúng ta: hãy dùng tiền của và cư xử cách nào để đem lại ích lợi cho cuộc sống hôm nay và đồng thời cũng đầu tư cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau nữa.

 Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm