Thứ sáu sau Chúa Nhật VI Phục Sinh.
01:43 10/05/2424
108
NIỀM VUI CỦA CÁC CON KHÔNG AI SẼ LẤY MẤT ĐƯỢC
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui. Người đàn bà khi sinh con thì lo buồn, vì giờ đã đến, nhưng khi đã sinh con rồi, thì bà mừng rỡ, không còn nhớ đến cơn đau, bởi vì đã có một người sinh ra đời. Các con cũng thế, bây giờ các con buồn phiền, nhưng Thầy sẽ gặp lại các con, và lòng các con sẽ vui mừng, và niềm vui của các con không ai sẽ lấy mất được. Và trong ngày đó các con sẽ không còn hỏi Thầy điều gì nữa”.
Suy niệm
QUA ĐAU KHỔ ĐẾN VINH QUANG
(Ga 16,20-23a)
1. Tâm trạng vui buồn của người phụ nữ trước và sau lúc sinh con được Đức Giê-su dùng để báo cho các môn đệ về viễn tượng Khổ nạn và Phục sinh của Ngài. Một lần nữa Đức Giê-su khẳng định chân lý “qua đau khổ đến vinh quang”.
Trên con đường theo Chúa, chúng ta cũng sẽ gặp nhiều gian nan đau khổ, nhưng nếu kiên tâm và can đảm vượt qua, chúng ta sẽ chiến thắng cùng với Đức Giê-su và đạt được niềm vui bất diệt.
2. Trước khi bước vào cuộc tử nan, Đức Giê-su đã nói với các môn đệ: ”Các con sẽ khóc lóc và than vãn”, lời cảnh tỉnh này còn nhắc cho các môn đệ sự thử thách họ sẽ trải qua trong cuộc khổ nạn và chịu chết trên thập giá của Đức Giê-su. Chúa bị bắt, các ông chạy tán loạn, Chúa bị treo trên thập giá và an táng trong mồ, các ông lo sợ, ẩn mình trong phòng, đóng kín cửa; vài người khác thất vọng bỏ về quê. Làm môn đệ của Đấng bị đóng đinh không phải là chuyện dễ dàng, êm xuôi: ”Ai muốn theo Thầy thì hãy vác lấy thập giá mình hằng ngày mà theo Thầy”.
Nhưng cái chết của Đức Giê-su chỉ là một gian đoạn dù là giai đoạn không thể tránh né được. Chúa chết đi để sống lại. Chúa ra đi để rồi trở lại. Chúa Phục sinh trở lại gặp các môn đệ và biến đổi nỗi buồn thành niềm vui: ”Thầy sẽ gặp lại các con và lòng các con sẽ vui mừng và niềm vui của các con không ai có thể lấy mất đi được”.
3. Bằng hình ảnh tâm trạng vui buồn của người phụ nữ trước và sau sinh con được Đức Giê-su dùng để báo cho các môn đệ về cuộc khổ nạn và Phục sinh của Ngài. Qua đó, Ngài khẳng định: ”xuyên qua thập giá đau khổ, mới đến vinh quang phục sinh.
Như hai môn đệ trong ngày Chúa phục sinh, bước nhanh trên con đường hướng về Em-mau, một làng cách Giê-ru-sa-lem chừng 11 cây số. Họ buồn sầu chán nản và than thở: ”Chúng tôi đã hy vọng chính Ngài sẽ giải thoát dân Israel, nhưng… “(x.Lc 24,13-25), Chúa Giê-su Phục sinh mà họ không nhận ra, qua Kinh Thánh bắt đầu từ ông Mai-sen, tới các tiên tri, đã giải thích: ”Đấng Thiên sai đã chẳng phải chịu những hình khổ ấy trước khi bước vào vinh quang của Ngài sao” (x.Lc 24,26-27). Qua đó, Ngài đã tỏ cho chúng ta thấy rõ mầu nhiệm sự chết và sự sống lại là nền tảng của cuộc sống của người tin vào Chúa.
4. “Nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”. Đó là lời Đức Giê-su nói với các môn đệ, một lời khích lệ, một lời tiên báo, một lời hứa và cũng là lời bảo đảm chắc chắn. Thực vậy, khi Chúa chết, các môn đệ buồn phiền, nhưng khi Chúa sống lại, hiện ra với các ông, các ông vui mừng. Hai môn đệ trên đường đi Em-mau, sau khi gặp được Chúa đã phấn khởi vui mừng chạy về Giê-ru-sa-lem báo tin cho các môn đệ khác. Cô Maria Ma-đa-lê-na sau khi gặp được Chúa cũng vui mừng chạy về báo tin Thầy đã sống lại. Nỗi buồn chia tay nay lại trở thành niềm vui. Lời Chúa báo trước đã thành sự thật: ”Bây giờ các con buồn sâu, nhưng khi Thầy gặp lại các con, lòng các con sẽ vui mừng”.
5. Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta nhìn vào những biến cố cuộc sống với cái nhìn đức tin. Chỉ trong đức tin, con người mới tìm thấy được ý nghĩa cao cả của hy sinh: chỉ trong đức tin, đau khổ mới mang ý nghĩa của hy sinh và trở thành biểu tỏ của tình yêu Ki-tô giáo không phải là một tôn giáo đề cao đau khổ; Kitô giáo không tuyên xưng một Thiên Chúa chỉ biết vui lòng khi thấy con người đau khổ. Ki-tô giáo thiết yếu là đạo của tình yêu. Chỉ có tình yêu mới mang lại ý nghĩa cho cuộc sống; chỉ có tình yêu được cảm nhận trong mọi hoàn cảnh cuộc sống mới có thể khiến cho người hy sinh ngay cả mạng sống mình; chỉ có tình yêu mà con người không ngừng trao ban cho người khác mới thực sự đem lại ý nghĩa cho cuộc sống (Mỗi ngày một tin vui).
6. Chân lý “qua thập giá tới vinh quang” là bất biến. Và niềm vui chỉ thật sâu sắc và trọn vẹn sau khi đã kinh qua những nỗi ưu phiền. Niềm vui cao quí nhất dành cho những ai theo Đức Giê-su chính là sau khi trung tín vượt qua cuộc lữ hành trần thế, được gặp Đức Giê-su và hưởng niềm vui Phục sinh trong Nước Trời. Đó là niềm vui vĩnh hằng không ai có thể cướp mất được. Niềm vui mà thánh Phao-lô từng nói: ”Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mạc khải nơi chúng ta” (Rm 8,18).
7. Truyện: Qua đau khổ tới vinh quang.
Có một người nọ luôn tỏ ra khó chịu, không thể nhìn bất cứ cái gì đẹp đẽ và khỏe mạnh. Một hôm đi ngang qua một vùng gần sa mạc, ông thấy một cây dừa non tươi tốt. Ông ta liền nhặt một cục đá khá nặng và đặt vào giữa đọt cây dừa rồi ra đi với nụ cười khoái trá đầy vẻ độc ác.
Cây dừa đã vùng vẫy tìm cách vứt hòn đá đi, nhưng mọi nỗ lực đều vô ích. Cây dừa bèn đổi chiến thuật bằng cách đâm rễ thật sâu xuống tới những mách nước ngầm dưới lòng đất. Sức sống đến từ lòng đất và hơi ấm mặt trời từ trên cao xuống đã làm cho cây dừa trở thành một cây dừa có sức mạnh nâng cả tảng đá lên cao.
Sau nhiều năm tháng trôi qua, người đàn ông kia trở lại với ước muốn hằn học rằng sẽ được nhìn thấy cây dừa oằn mình dưới sức nặng của viên đá. Cây dừa đã cúi sâu cho ông ta xem viên đá vẫn còn nguyên trong đọt non của mình và nói:
– Tôi cảm ơn ông, chính viên đá tai ác của ông đã làm cho tôi trở nên mạnh mẽ và trưởng thành.
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm