thứ Sáu Tuần Thánh.

00:42 29/03/2424

114

THIÊN CHÚA LÀ TINH YÊU 

Vì yêu thương mỗi người chúng ta, Đức Giêsu đã bằng lòng chịu chết.

Khi chiêm ngắm cạnh sườn Chúa Giêsu bị lưỡi đòng đâm thấu, chúng ta thấy Thiên Chúa yêu con người đến như thế nào.

Người ta nói rằng : nếu tất cả Thánh Kinh trên trái đất này bị hủy diệt bởi tai biến nào đó hay bởi một cơn thịnh nộ phá hủy các hình tượng tôn giáo và chỉ còn một bản Kinh Thánh mà thôi; và bản còn lại đó cũng bị hư hại đến mức chỉ còn một trang, và nếu trang đó nhăn nheo đến độ chỉ còn một dòng có thể đọc được, và nếu dòng đó từ Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan trong đó viết “Thiên Chúa là Tình Yêu”, thì coi như toàn bộ Thánh Kinh được khôi phục, bởi vì toàn bộ nội dung là ở đó.

Mầu nhiệm thập giá mà chúng ta cử hành là bằng chứng. Nicholas Cabasilas, một tác giả Đông Phương, cho rằng có hai cách thể hiện tình yêu với người khác. Cách thứ nhất bao gồm làm điều tốt cho người mình yêu, tặng quà cho họ; cách thứ hai đòi hỏi hy sinh hơn nhiều, bao gồm sự đau khổ vì người mình yêu.

Thiên Chúa đã ta bằng một tình yêu hào phóng khi tạo dựng nên ta, ban cho ta những hồng ân bên trong và bên ngoài; Ngài cũng đã yêu chúng ta với một tình yêu khổ đau khi cứu chuộc ta, khi Ngài nghĩ ra cách hủy diệt chính mình, chịu đau đớn nhất, để minh chứng cho ta thấy tình yêu của Ngài. Do đó, khi suy tôn Thánh giá Chúa, ta cảm nhận được sự thật rằng : “Thiên Chúa là Tình Yêu”.

Thánh Gioan viết : “Chúa Giêsu đã yêu thương họ thì yêu thương đến cùng”.

Đến cùng của con người có nghĩa là sự chết, Chúa đã yêu thương ta đến chết, Ngài nói : « Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu », không thể diễn tả tình yêu ở mức độ nào cao hơn nữa.

Nhưng đến cùng còn có nghĩa là với những người Ngài yêu ấy, người đó sẽ được đón nhận tột cùng của ân sủng. Vì Chúa Giêsu không muốn gì hơn là tất cả được ơn cứu độ, mà muốn được ơn cứu độ thì phải có sự sống thần linh và sự sống đó được ban cho bởi Mình và Máu Thánh Ngài.

Đoạn Phúc âm chúng ta vừa đọc và nghe đó, gọi là bài Thương khó. Chữ “passion” (thương khó) có hai nghĩa: Nó chỉ định một tình yêu tha thiết, “passionate”, hay một đau thương. Yêu tha thiết và khổ đau có liên hệ chặt chẽ với nhau. Chính Thiên Chúa luôn mang trong lòng một “tình yêu tha thiết” đối với nhân loại mà đến thời viên mãn, Ngài đã xuống thế làm người và chịu đau khổ vì chúng ta.

Trong tác phẩm Quo Vadis, một người ngoại giáo hỏi Thánh Phêrô khi ngài mới đến Rôma như thế này : Nhã Điển đem đến cho chúng tôi sự thông thái, Rôma đem đến quyền lực, còn tôn giáo của ông đem lại cho chúng tôi điều gì? Thánh Phêrô trả lời: Tình yêu!

Tình yêu là thứ mong manh nhất trên trần đời, thưa anh chị em. Nó hình tượng, và nó giống như trẻ nhỏ. Nó có thể bị giết dễ dàng như chúng ta đã thấy trong bàng hoàng việc giết chết một trẻ nhỏ dễ đến mức nào trong thời đại hôm nay. Nhưng quyền lực và khôn ngoan, nghĩa là sức mạnh và tài năng, trở thành cái gì nếu không có tình yêu và lòng tốt? Chúng trở thành Auschwitz, Hiroshima và Nagasaki và tất cả những thứ khác mà chúng ta biết rất rõ.

Vâng, Thiên Chúa yêu con người bằng một Tình yêu hào phóng, không những trao ban nhưng không, mà tình yêu đó còn mang theo tha thứ.

Đức Giêsu đã nói nơi bàn Tiệc Ly : “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13). Ngài không thí mạng sống cho bạn hữu nhưng cho kẻ thù của mình! Thánh Phaolô thốt lên “Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi” (Rm 5:7-8).

Tuy nhiên, chữ “bạn” ở đây trong nghĩa tích cực chỉ những ai thương mình, nhưng trong nghĩa tiêu cực nó chỉ những người mình thương. Chúa Giêsu gọi Giuđa là “bạn” (Mt 26:50) không phải vì Giuđa thương Ngài, nhưng vì Ngài thương Giuđa! Không một tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì kẻ thù, coi họ như bạn hữu: đó là ý nghĩa của lời Chúa. Con người có thể là kẻ thù của Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa mãi mãi không là kẻ thù của nhân loại.

Tình yêu của Chúa Kitô trên thánh giá là một tình yêu thương xót, một tình yêu thứ tha, không muốn tiêu diệt kẻ thù, nhưng tiêu diệt lòng thù hận nếu có. (x Ep 2:16). Chúa Giêsu khi hấp hối nói rằng “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23:34).

Chính lòng thương xót này và khả năng tha thứ là điều chúng ta cần đến ngày nay, để tránh đừng trượt xa hơn nữa vào hố sâu bạo lực toàn cầu. Thánh Phaolô viết cho dân thành Côlôsê như thế này : “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3:12-13).

Xin Chúa cho chúng ta khi nhìn lên Thánh giá Chúa, biết khám phá ra rằng Thiên Chúa đã chết chỉ vì yêu, từ đó chúng ta biết yêu thương nhau để chứng tỏ rằng ta yêu Chúa, vì đó là cốt lõi cửu Đạo chúng ta. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ