Thứ Sáu tuần XXI Thường niên
03:54 30/08/2424
43
KÌA CHÀNG RỂ ĐẾN, HÃY RA ĐÓN NGƯỜI
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Nước trời giống như mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể. Trong số đó, có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan. Năm cô khờ dại mang đèn mà không đem dầu theo. Còn những cô khôn ngoan đã mang đèn, lại đem dầu đầy bình. Vì chàng rể đến chậm, nên các cô đều thiếp đi và ngủ cả.
“Nửa đêm có tiếng hô to: Kìa, chàng rể đến, hãy ra đón người. Bấy giờ các trinh nữ đều chỗi dậy, sửa soạn đèn của mình. Những cô khờ dại nói với các cô khôn ngoan rằng: “Các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em đã tắt cả”. Các cô khôn ngoan đáp lại rằng: “E không đủ cho chúng em và các chị, các chị ra (nhà) hàng mà mua thì hơn”. Song khi họ đang đi mua, thì chàng rể đến. Những trinh nữ đã sẵn sàng, thì theo chàng rể cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại. Sau cùng các trinh nữ kia cũng đến và nói: “Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi”. Nhưng người đáp lại: “Ta bảo thật các ngươi, ta không biết các ngươi”. Vậy hãy tỉnh thức, vì các con không biết ngày nào, giờ nào”.
Suy niệm
DỤ NGÔN MƯỜI CÔ TRINH NỮ
(Mt 25,1-13)
1. Nước Thiên Chúa được ví như bữa tiệc cưới, mà trong đó chỉ những ai có thái độ tỉnh thức và sẵn sàng mới có cơ hội được chú rể là Đức Giê-su dẫn vào đồng bàn với Người trong vương quốc vĩnh cửu. Hình ảnh năm cô khôn và năm cô khờ cùng cầm đèn đi đón chàng rể, nhưng khác nhau ở chỗ là cô khôn mang đèn mang thêm dầu, còn cô dại thì mang đèn không dầu, là hình ảnh tiêu biểu của hai kiểu sống đạo của chúng ta hôm nay. Chúng ta cùng chung đức tin (là cùng tin có Chúa và Chúa sẽ đến) như ai cũng mang theo đèn, nhưng khác nhau ở chỗ có thực hành đời sống đức tin hay không, hay là tin nơi đầu môi chót lưỡi, còn cuộc sống thì vô thần, tựa như cái đèn rỗng ruột, không còn tỏa sáng mà đã tắt ngấm tối thui từ khi nào.
2. Chúng ta có thể hiểu qua dụ ngôn này: Chàng rể đặc biệt chính là Chúa Ki-tô, mười trinh nữ phù dâu là toàn thể nhân loại, được Thiên Chúa yêu thương và đón mời vào dự tiệc cưới Nước Trời, dầu và đèn là các điều kiện cần có để tham dự tiệc cưới. Mười cô phù dâu, có năm cô khôn và năm cô dại. Đó là hình ảnh con người, có người khôn, có người dại. Khôn hay dại là căn cứ vào thái độ họ có biết sẵn sàng hay không.
Năm cô khôn ngoan cũng ngủ như năm cô khờ dại, thế mà được coi là có thái độ tỉnh thức, bởi vì tuy ngủ nhưng họ đã chuẩn bị sẵn sàng những thứ cần thiết. Như thế, tỉnh thức không phải là lúc nào cũng lăng xăng làm việc, tỉnh thức không phải là không được nghỉ ngơi. Tỉnh thức là chu toàn trách nhiệm: khi trách nhiệm chưa xong thì phải lo cho xong, khi đã xong rồi thì có quyền ngơi nghỉ.
3. Chúng ta cũng thấy Đức Phật dạy các môn đệ mình: ”Phải trấn tĩnh cho tâm thanh tịnh để mà giác thức”.
Trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng có một tâm trạng an tĩnh để mà suy xét mọi điều, bởi vì có rất nhiều mối bận tâm, lo toan, tính toán đang xâm chiếm tâm trí ta hằng ngày. Trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay, đang khi các trinh nữ ngủ thiếp đi, thì có tiếng hô to: ”Chú rể kia rồi, ra đón đi”. Thế nhưng, trong số mười cô chờ đợi chàng rể, chỉ có năm cô đem đủ dầu mà thôi. Năm cô này được gọi là “những người khôn ngoan” vì họ đã biết lo liệu, tính toán trước sự việc.
– Qua câu chuyện này, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy luôn sống với thái độ sẵn sàng, vì Người có thể đến bất cứ ngày nào, giờ nào. Như năm cô khôn ngoan đã chuẩn bị đầy đủ dầu, chúng ta hôm nay cũng được mời gọi chuẩn bị tâm hồn đón Chúa bằng đời sống đức tin, đức ái và đầy công phúc.
4. Trong bài Tin Mừng này có một chi tiết hơi lạ là khi 5 cô khờ dại thấy đèn mình hết dầu, họ đã đến xin dầu nơi 5 cô khôn ngoan. 5 cô khôn ngoan này mỗi cô có cả một bình dầu đầy ắp thế mà lại không chia sẻ cho 5 cô kia. Có phải là quá ích kỷ không? Thưa, nếu là chuyện dầu đèn bình thường thì đúng là ích kỷ. Nhưng đây là những hình ảnh tượng trưng cho phần rỗi đời đời nên nó không có nghĩa là ích kỷ. Bởi vì đối với phần rỗi đời đời của mỗi người, nói cách khác, đối với chuyện công đức và tội lỗi thì không ai có thể chia cho ai và cũng không ai có thể xin ai được. Anh bạn tôi chết, tôi thương anh ta lắm nhưng tôi không thể chia cho anh những công lao phúc đức của tôi, tôi cũng không thể xin Chúa san sẻ cho tôi gánh chịu dùm một số tội lỗi của anh (Giải thích của Ca-rô-lô).
5. Đời người là một cuộc đợi chờ, và đợi chờ nào cũng bao hàm tình yêu trong đó, bởi vì con người chỉ hết lòng đợi chờ mong mỏi người nào hay điều gì mình hết lòng yêu thương hay quý chuộng. Người mẹ chờ đợi đứa con sắp ra đời bằng cách chuẩn bị tất cả những gì cần thiết để bao bọc săn sóc con mình; một người chờ đợi bạn đến thăm bằng cách chuẩn bị thật chu đáo để đón tiếp bạn.
Chúng ta mong đợi Chúa đến. Nhưng khi nào Ngài đến, chúng ta không biết. Có điều chắc chắn là Ngài sẽ đến trong một cuộc viếng thăm thân tình, bởi vì chỉ những người thân tình mới dành cho nhau những cuộc viếng thăm bất ngờ (Mỗi ngày một tin vui).
6. Tóm lại, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ý thức về giờ của từng cá nhân mình phải ra trước tòa Chúa. Đó là lúc được phân định dứt khoát và vĩnh viễn, nên không còn cơ hội để lựa chọn về phần rỗi của mình nữa. Vì thế, chúng ta phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng, bởi sự lỡ làng trong công ăn việc làm chúng ta có thể bắt đầu lại và có thể sửa chữa được. Nhưng sự lỡ làng trong giờ cuối cùng của cuộc đời sẽ không còn cơ hội để làm lại và lúc đó sẽ hư mất đời đời.
7. Truyện: Thái độ của mỗi người
“Bạn sẽ làm gì nếu bạn biết rõ bạn chỉ sống đúng một ngày nữa thôi”? Đó chính là câu hỏi của một nhà giáo đã đặt cho 625 học sinh người Đức trong 12 trường, và có kết quả:
20% được hỏi liền trả lời: Chúng tôi sẽ dùng thời cơ còn lại để uống say sưa, hút ma túy, để vui chơi cho thỏa thích.
Cuối cùng một nữ sinh 18 tuổi trả lời rằng: Tôi sẽ dùng thời gian còn lại để chuẩn bị cho giờ cuối cùng của tôi. Tôi sẽ dành buổi tối cuối cùng để gặp Chúa và cảm tạ Chúa đã ban cho tôi một đời sống hạnh phúc và đầy đủ.
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm