Thứ Tư Tuần 19 TN
21:28 11/08/2020
294
SỬA LỖI
Thiên Chúa thánh thiện không thể chịu được tội lỗi. Tội lỗi phải bị khai trừ. Tuy nhiên cách khai trừ có khác biệt từ Cựu Ước sang Tân Ước. Thời Cựu Ước cách khai trừ tội lỗi khắc nghiệt. Công lý nhiều hơn tình thương.
Ê-dê-kiên cho thấy cuộc thanh tẩy Giê-ru-sa-lem đầy máu. Thiên Chúa tiêu diệt thành phố tội lỗi: “Vinh quang Đức Chúa bay lên khỏi thềm Đền Thờ và dừng lại trên các thần hộ giá. Các thần hộ giá dang cánh và cất mình lên khỏi mặt đất…các bánh xe cũng chuyển theo”. Và một cuộc trừng phạt tàn sát không xót thương diễn ra: “Hãy đi theo người ấy vào thành mà chém giết. Đừng nhìn mà thương hại, đừng xót thương. Người già, thanh niên, thiếu nữ, cũng như đàn bà con trẻ, các ngươi hãy giết cho sạch”. Thật là nghiệt ngã (năm chẵn).
Ngay cả Mô-sê, một người tôi tớ trung tín suốt đời tận tuỵ phục vụ Chúa, người đã làm biết bao điềm kỳ phép lạ, người giải phóng Ít-ra-en khỏi ách nô lệ Ai cập, người thiết lập một dân mới, người ban bố lề luật, thế mà cũng bị phạt khắc nghiệt. Thực ra tội của Mô-sê chính là tội của dân. Vì thương dân và chiều theo dân nên bỏ lời Chúa. Thế mà ông bị trừng phạt nặng nề. Không được vào đất hứa. Chết nơi xứ lạ quê người. Không chôn cất mồ mả. “Ông Mô-sê, tôi trung của Đức Chúa, qua đời tại đó, trong đất Mô-áp, theo lệnh Đức Chúa…Cho đến ngày hôm nay, không ai biết mộ ông ở đâu” (năm lẻ).
Đến thời Tân Ước, tình yêu thương được đề cao hơn công lý. Chúa truyền cho các cộng đoàn phải sửa lỗi anh em trước khi trừng phạt. Khi sửa lỗi cũng phải tế nhị. Trước hết phải kín đáo riêng tư. Khi không thể thuyết phục riêng tư mới dùng đến ảnh hưởng cộng đoàn. Phải cứu sống hơn giết chết. Phải tha thứ hơn kết án. Phải đón nhận hơn loại trừ. Phải sửa chữa hơn vất bỏ. Phải xây dựng hơn phá huỷ. “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em”. Sự hợp nhất phải xây dựng từ những đớn đau của thương tích, của tha thứ, của chữa lành. Bấy giờ tình yêu thương đoàn kết sẽ vô cùng quí giá và sâu xa. Đó chính là nền tảng để dâng lời cầu nguyện và được Chúa nhận lời: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ”. Họp lại sau những xung khắc lỗi lầm mới thực sự sâu xa bền chặt.
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt