Thực Thi Lòng Thương Xót
03:39 16/05/2020
294
Trên một con đường vắng, một chiếc xe đang phóng nhanh, chợt đột ngột thắng gấp lại và tấp vào lề đường. Ai đó vừa ném một viên đá vào cánh cửa chiếc xe. Bước ra khỏi xe, liếc nhìn chỗ xe bị ném, người lái xe bực tức chạy nhanh đến tóm ngay thằng bé đứng gần đó – chắc chắn nó là tác giả của vết trầy trên chiếc xe. Trước đó, anh đã thấy nó vẫy xe, chắc là để đi nhờ.“ Không cho đi nhờ mà mày làm như vậy hả?” Anh ta nói.
Anh vừa gằn giọng vừa nắm chặt cổ áo đẩy cậu bé sát vào chiếc xe… Cậu bé lắp bắp sợ hãi: “Em xin lỗi! Nhưng em… em… không biết làm cách nào khác. Nếu em không ném vào xe của anh thì anh đã không dừng xe… Nãy giờ em đã vẫy biết bao nhiêu xe mà không có ai chịu dừng”. Nói đến đó, nước mắt cậu bé lăn dài trên má. Cậu chỉ tay về vệ cỏ phía bên kia đường. “Có một người… anh ấy bị ngã và chiếc xe lăn của anh ấy cũng ngã. Em tình cờ đi ngang qua thấy vậy nhưng không thể đỡ nổi anh ấy vì anh ấy nặng quá”.
Giọng ngắt quãng vì những tiếng nấc liên tục, cậu bé nài nỉ: “Anh có thể giúp em đưa anh ấy trở lại chiếc xe lăn được không ạ? Anh ấy ngã chắc là đau và đang bị chảy máu”. Lời nói của cậu bé khiến anh thanh niên không thể thốt lên được lời nào. Anh thấy cổ mình như nghẹn lại vì bất ngờ và xúc động. Anh đến đỡ người bị ngã trở lại ngồi ngay ngắn trên chiếc xe lăn, băng vết thương và cùng cậu bé kéo xe lên đường. Người bị ngã cảm ơn anh rồi chiếc xe bắt đầu lăn đi về phía đường ngược lại, cậu bé phụ đẩy phía sau. Anh dõi mắt nhìn theo cho đến khi hình ảnh cậu bé và chiếc xe lăn khuất hẳn. Anh bước thật chậm về phía chiếc xe của mình, cảm giác giận dữ trong anh không còn nữa và những bước chân ngập ngừng cũng không thể diễn tả hết tâm trạng của anh lúc này. Anh quyết định không sửa lại vết trầy trên xe. Anh muốn nó sẽ nhắc anh về câu chuyện xúc động hôm nay, về một điều mà trước nay anh không để ý đến và cũng không có thời gian để ý đến. Anh đã không nhận ra, không có được lòng trắc ẩn như cậu bé kia, anh đã tiếc thời gian và đi quá nhanh đến nỗi phải có một ai đó ném một viên đá mới làm anh dừng lại. (Câu chuyện ven đường- Khuyết danh).
Với cuộc sống bon chen, tất bật và lo toan hôm nay, con người trở nên dửng dưng vô cảm trước nỗi đau của người khác. Như lời Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ trên đảo Lampedusa, ngài nói:" Đừng chiều theo làn sóng toàn cầu hóa sự thờ ơ”. Đức Thánh Cha đã mạnh mẽ tố giác sự dửng dưng đối với số phận những người tị nạn, những thuyền nhân chết trên biển cả và những kẻ lợi dụng sự nghèo đói của người khác để làm giàu. Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong thánh lễ tưởng niệm những thuyền nhân bỏ mình trên biển cả trên đường đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn. Đức Thánh Cha nói, ngài muốn thức tỉnh lương tâm của nhiều người trên thế giới, tất cả mọi người, đặc biệt là các giới hữu trách, về thảm trạng người di dân và tị nạn, và về nguy cơ “toàn cầu hóa sự thờ ơ”.( VietCatholic news)
Liên hệ với Lời Chúa hôm nay, chúng ta được nghe qua cuộc đàm thoại giữa Chúa Giê-su với người thông luật. Ông ta hỏi Chúa Giê-su làm thế nào để được sống đời đời. Sau đó, Chúa Giê-su diễn tả bằng dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành. Nét nổi bậc trong dụ ngôn này, chính là hình ảnh người Sa-ma-ri, ông là người ngoại bang đáng ghét, vì người Do thái coi người Sa-ma-ri như con lai căng. Hai dân tộc này căm thù lẫn nhau. Nhưng Chúa Giê-su khẳng định tình yêu thì không có sự khác giữa các dân tộc hay quốc gia. Tình yêu phải được thể hiện bằng chính cuộc sống đối với những người chung quanh với những khốn khó, đau thương của tha nhân và không giới hạn chỉ nơi dòng tộc, người thân gia đình hay xóm làng mà là tất cả những người đang cần chúng ta giúp đỡ chính họ là những người thân cận của chúng ta.
Nét tương phản với ý nghĩ của nhà thông luật, đó là khi Chúa Giê-su đưa ra hình ảnh thầy Tư tế và Lê-vi, họ là những người hiểu luật rất rõ, là những người phục vụ bàn thờ Chúa mỗi ngày, nhưng lại mang trong mình một trái tim khô cứng và chai lỳ khi nhìn thấy người anh em bị nạn nhưng họ lại bỏ đi. Trong khi đó, họ lại kêu người khác yêu thương, phải có lòng từ bi, bác ái, nhưng họ lại không có trái tim biết xót thương. Trái lại, người Sa-ma-ri tới chỗ người bị nạn, băng bó vết thương, đặt người ấy lên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Những cử chỉ và hành động nói lên tính cách con người của anh ta, mặc dù, người Samari vẫn biết người bị nạn này không phải là dân tộc của anh ta. Ấy thế mà anh ta lo lắng và chăm sóc người bị cướp trong lúc nguy hiểm. Anh liều mạng, không so đo, tính toán hơn thiệt, anh dùng tiền của mình để thanh toán tất cả chi phí cho một người xa lạ.
Rút ra từ trong dụ ngôn này, chúng ta cần suy ngẫm lại cách hành xử của chúng ta. Một lần nữa, Chúa Giê-su kêu gọi tất cả chúng ta là những người lãnh đạo trong Giáo hội, những người Ki-tô hữu mang danh Chúa Giê-su, nhất là những ai tự cho mình là người thông luật, giữ đạo rất chặt chẽ, đọc kinh rất giỏi, nhưng hãy coi chừng và cảnh giác. Nếu ta không có trái tim biết yêu thương và lòng xót thương tha nhân, thì việc làm của chúng ta chẳng có ích gì trước mặt Chúa. Như lời của mục sư Martin Luther King nói rằng, tình thương không giới hạn trong việc trợ giúp những người đau khổ: " Ban đầu chúng ta phải là người Samari tốt lành đối với những người gục gã trên đường, nhưng sau đó con đường Giê-ri-khô phải được chỉnh đốn lại để những ai đi trên đường đời không còn bị đánh đập và cướp bóc nữa." Thật vậy, bổn phận của mỗi người chúng ta là đáp lại tình yêu Thiên Chúa. Lề luật của Thiên Chúa đặt trên nền tảng là tình yêu, chia sẻ và cảm thông và được thể hiện qua cách đối xử với những người nghèo khó, nô lệ, góa bụa và khốn cùng.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết xót thương và biết đón nhận anh chị em với thái độ ân cần và sẵn lòng thực thi lòng bác ái và yêu thương như Chúa yêu chúng con. Amen.