Tính Trung Thực

04:40 16/05/2020

292

Tác giả:Lm John Nguyễn

Abraham Lincoln – Tổng thống thứ 16 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (1861 – 1865) đã gởi bức thư sau cho thầy giáo của con mình: “Kính thưa thầy! Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này, rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết, cứ mỗi một kẻ vô lại ta gặp trên đường phố thì ở đâu đó sẽ có những con người chính trực; cứ mỗi một chính trị gia ích kỷ, ta sẽ có một nhà lãnh đạo tận tâm. Bài học này sẽ mất nhiều thời gian, tôi biết, nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết rằng, một đồng đôla kiếm được do công sức lao động của mình bỏ ra còn quý giá hơn nhiều so với 5 đôla nhặt được trên hè phố...”

Bài học của Abraham Lincoln mong thầy giáo dạy cho con mình về đức tính trung thực. Thật vậy, trung thực là luôn là đức tính cao đẹp trong cuộc sống con. Thành thực với tha nhân và với chính mình. Người có tính trung thực thường tuân thủ đạo đức chân thật trong từng lời nói và hành động. Đó là một trong những phẩm chất quan trọng nhất tạo nên giá trị của một con người chân chính. Tính trung thực giúp con người trở nên đáng tin cậy trong mọi mối quan hệ, đó là sức mạnh lớn nhất giúp thuyết phục người khác. Người trung thực không chấp nhận gian dối trong bất kỳ việc gì. Trung thực làm nên nhân cách con người.

Trong cuộc sống, chúng ta thường thích nghe  những lời hứa yêu thương ngọt ngào của những người nào đó, mà chúng ta yêu thương và tin tưởng, họ cho chúng ta với những lời đầy hứa hẹn mật ngọt, nhưng sau đó lại trở thành nỗi đau và vết thương bởi sự giả dối, phản bội và bất trung. Và đây cũng là điều mà Chúa Giê-su nói với các kinh sư, luật sỹ và cả chúng ta, được thuật lại trong Tin mừng của thánh Ma-thêu ( Mt21:28:32). Chúa Giê-su dùng dụ ngôn về hai người con. Người cha bảo đứa con cả đi làm vườn nho. Anh ta trả lời không với cha mình, nhưng sau đó anh ta suy nghĩ và hối hận, anh ta đi làm. Trái lại, đứa con thứ hai khi cha bảo nó đi làm vườn nho, nó thưa vâng, nhưng sau đó nó lại không đi. Vậy trong hai người con ai là người đã thi hành ý muốn của nguời cha?.

Chắc chắn, chúng ta sẽ trả lời là người con cả. Rồi Chúa Giê-su nói với họ: " Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và các cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông." Nghe đến đây, chúng ta thấy có một nghịch lý và đặt câu hỏi tại sao Chúa Giê-su đề cao những người tội lỗi, những kẻ bị xã hội lên án, hạ thấp trong tầng lớp xã hội. Vậy đâu là ý nghĩa đạo đức của một con người chân chính?. Tôi cần gì phải sống tốt, phải làm điều thiện và giữ công bằng bác ái với tha nhân. Nếu chúng ta hiểu và giải thích Lời Chúa theo kiểu nước đôi, thì không đúng với những gì chân lý và cốt lõi của Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đề tính trung thực và nhận biết mình. Ngài không ủng hộ các cô gái điếm và những người thu thuế, nhưng ý nghĩa sâu sắc của Tin Mừng là lòng thương xót của Thiên Chúa. Các cô gái điếm và những người thu thuế, họ biết mình tội lỗi, họ biết họ là ai?. Họ biết họ cần được ơn tha thứ và cứu độ từ Thiên Chúa. Họ thực lòng hoán cải, sám hối và ăn năn về tội của mình. Trái lại, sự giả dối và tính tự kiêu của các kinh sư và bọn Biệt phái mang hình thức giả hình. Giả dối là cha đẻ của ma quỷ. Ma quỷ thì chống lại đường lối của Thiên Chúa. Đã nhiều lần, Chúa Giê-su tức giận bảo họ là kẻ giả hình, mồ mả tô vôi. Họ đưa ra nhiều thứ luật lệ để chất lên vai người khác, còn họ thì không giữ. Họ thích người khác ca tụng tán dương hơn là ca tụng và làm sáng danh Thiên. Họ ra vẻ đạo đức bên ngoài nhưng lòng dạ thì hận thù ích kỷ và đen tối, chẳng có chút gì là thương anh em đồng loại.

Sự gian dối, giả trá và bất công đã làm cho con người đánh mất đi lòng trung thực. Sống trong một xã hội có nhiều sự bất công và gian ác, thì tiếng nói lương tâm mất dần, người đối xử với người còn gian ác hơn loài thú, cắn xé lẫn nhau, tranh giành quyền lợi và ảnh thưởng. Cho nên, cần có những con người dám sống thực, lời nói đi đôi với việc làm. Người đời vẫn nói “một lần bất tín, vạn lần bất tin”. Walter Anderson cho rằng: “Cuộc sống sẽ thay đổi khi chúng ta biết nắm bắt các cơ hội cho mình, nhưng cơ hội đầu tiên và khó khăn nhất lại là việc chúng ta phải thành thật với chính bản thân mình”. Điều này đáng cho chúng ta suy nghĩ:

 Phải chăng tôi đang mang trong mình hình ảnh của người anh cả khi nghe Lời Chúa, nhưng vì còn mang nhiều tội lỗi, yếu đuối, đam mê dục vọng, tính lười biếng, nên tôi chưa sẵn sàng đến với Chúa!

Phải chăng tôi là hình ảnh của người con thứ, miệng thì nói rất hay, nhưng lòng dạ thì mưu mô, tính toán, và không thành thật với chính mình và giả dối với anh chị em!

Phải chăng tôi là hình ảnh của bọn Pha-ri-sieu và kinh sư sống lừa dỗi chính mình và giả dối với tha nhân, với lòng đầy tự mãn, kiêu ngạo, tự cho mình là người đạo đức thánh thiện để kết án người khác, không nhận ra tội của mình!

Phải chăng tôi cũng là hình ảnh của các cô gái điếm, các người thu thuế biết chấp nhận và thành thực với chính mình, thực lòng hoán cải và sám hối!

 Câu trả lời và phần thưởng cho tất cả những ai đang tìm kiếm Nước Thiên Chúa. Amen.