Tội Kiêu Căng

03:50 16/05/2020

289

Tác giả:Lm John Nguyễn

Chúa Giê-su đưa ra dụ ngôn hai người vào đền thờ cầu nguyện. Một người Pha-ri-siêu được mệnh danh là đạo đức. Còn người thu thuế bị coi là kẻ tội lỗi dưới con mắt của dân chúng, vì anh ta chiếm đoạt của cái của người dân để làm giàu cho bản thân mình. Thế nhưng, tai sao anh ta lại được trở thành người công chính?. Ông Pha-ri-siêu thì không được gì trong việc cầu nguyện. Tôi thiết nghĩ, đó là những lý do đặt ra cho chúng ta để suy niệm và khám phá ra ý nghĩa trong dụ ngôn này.

1. Tội kiêu căng - vì đề cao "cái tôi" quá đáng.

Người Pha-ri-siêu vào đền thờ cầu nguyện. Ông ta đứng thẳng người trước mặt Thiên Chúa và cầu nguyện lớn tiếng:" Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không giống như kẻ khác: trộm cắp, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con." Lời cầu nguyện của ông ta cho thấy, ông ta là người đạo đức, giữ luật rất chu đáo. Chắc gì chúng ta đã làm được như ông ta. Việc làm của ông ta đáng cho chúng học hỏi và noi gương. Thế nhưng, đằng sau việc làm của ông ta, chính là lòng tự mãn, tự kiêu bởi việc làm của mình. Ông ta xưng với Chúa. Con làm thế này thế kia. Rồi ông ta đi đến thái độ kiêu căng, tự mãn và phê phán người anh em của mình. Cho nên, tự thẳm sâu bên trong của ông ta làm là vì cho bản thân mình, ông ta cố làm để được Chúa trả công, làm để người khác cho mình là đạo đức thánh thiện hơn người. Nhiều lần Chúa Giê-su đã cảnh cáo họ là những người đạo đức giả. Việc làm của ông ta là tốt, nhưng thái độ của ông ta là đi tìm sự thỏa mãn của kẻ kiêu căng và tự mãn. Vì Dù sống trong thời đại nào, sang giàu hay nghèo nàn, địa vị hay thấp hèn thì chẳng ai ưa thích kẻ kiêu căng.

2. Tội kiêu căng - vì coi thường người khác.

Người kiêu căng thường tự cho mình là nhất, tự đặt mình trung tâm của vũ trụ. Mọi coi người khác là thấp kém hơn mình. Louisa May Alcott nói: " Tính kiêu căng làm hỏng cả những thiên tài tốt đẹp nhất." Cụ thể, nơi người Pha-ri-siêu, ông ta không chỉ đề cao việc làm đạo đức của mình mà còn xét đoán và phê bình người anh em trước mặt Thiên Chúa, ông ta nói:" Lạy Chúa, con không giống như bao kẻ khác". Vì đằng sau ông ta là một người thu thuế tội lỗi, làm những chuyện sai trái và bất công, cưỡng hiếp người khác để mang lợi lộc cho mình. Tội của người thu thuế thì quá rõ, nên ông ta đứng đằng xa không dám ngẩng mặt lên trời, ông đấm ngực và thưa rằng:" Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi". Thái độ của ông ta là nhìn nhận tội để được Chúa tha cho mình, cử chỉ của kẻ sám hối biết quay trở về sau những ngày sống trong tâm tối và tội lỗi.

3. Tội kiêu căng - đánh mất ân sủng của Thiên Chúa

Trong sách sáng thế, chương đầu tiên đã cho chúng ta thấy rõ hình ảnh Adam và Eva sa ngã phạm tội và mất ân sủng của Thiên Chúa, vì họ nghe theo lời xúi dục của con rắn . Họ muốn được bằng Thiên Chúa. Cũng vậy, trong đoạn kết của dụ ngôn cho thấy có một cuộc đảo ngược của hai số phận. Người thu thuế trở thành người công chính trước mặt Thiên Chúa. Trái lại, ông Pha-ri-siêu tự cho mình là được đạo đức lại không được gì. "Vì phàm ai tự tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên." Thiên Chúa luôn yêu thích kẻ khiêm nhường. Thật vậy, tính kiêu căng thường đi tìm thỏa mãn cho cái tôi của mình. Người có tính kiêu thì khó có thể đón nhận tội lỗi và nhận ra chính mình, và tự cho mình là người hoàn hảo. Chẳng hạn, một người chẳng bao giờ thấy đi xưng tội khi được người khác nhắc nhở, anh ta thường bảo: " Tôi có tội gì đâu mà xưng". Tôi thiết nghĩ người có tính kiêu căng, chính là người không chấp nhận chính mình và cũng không biết mình là ai?. Ở đời, chẳng có ai là người hoàn hảo.

Để rút ra bài học từ Lời Chúa dạy hôm nay, chúng ta nhận ra rằng, đức khiêm nhường luôn là một thái độ cần có nơi người Ki-tô hữu. Thiên Chúa là Đấng quyến năng cao sang nhưng Ngài đã tự hạ, tự hủy để sống với kiếp con người và cứu chuộc chúng ta. Thế thì, tôi là ai? Tôi có quyền gì để xét đoán người khác? Và tôi đã làm nên công trạng gì để đòi hỏi và tự hô hào là người công chính trước mặt Thiên Chúa?. Ngài luôn yêu thích những kẻ khiêm nhường.

Giờ đây, chúng ta cùng với Mẹ Maria hát lên bài ca của đức nhường qua Kinh Ngợi Khen:

" Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa,

thần trí tôi hớn hở vui mừng

Vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn,

Người đoái thương nhìn tới;

từ nay, hết mọi đời

sẽ khen tôi diễm phúc.

Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi

biết bao điều cao cả,

Danh Người thật chí thánh chí tôn !

Ðời nọ tới đời kia,

Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,

dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế,

Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,

người giàu có, lại đuổi về tay trắng."