Trở Về Dòng Sông Jordan
03:56 16/05/2020
289
Sông Jordan là một con sông ở Tây Nam Á, chảy từ chân núi Hermon vào biển Chết. Ngày nay, sông này được coi là một trong các sông thiêng liêng nhất thế giới. Sông dài 251 km (156 dặm). Nó liêng thiêng và mầu nhiệm bởi vì dòng sông này đã xẩy ra nhiều biến cố quan trọng được ghi lại trong Kinh Thánh.
Trong Kinh Thánh, sông Jordan được nói đến như nguồn cung cấp sự phì nhiêu cho vùng đồng bằng lớn, và được coi như là "vườn của Chúa" (St 13:10). Trong lịch sử Kinh Thánh, sông Jordan là nơi diễn ra nhiều phép mầu, trong đó phép mầu thứ nhất là người Israel dưới sự lãnh đạo của Joshua vượt qua sông Jordan, ở khúc gần thành Jericho (Sách Joshua 3:15-17). Sau đó 2 bộ tộc và nửa bộ tộc định cư ở phía đông sông Jordan đã xây một bàn thờ lớn trên bờ đông như sự làm chứng giữa họ với các bộ tộc khác (sách Joshua 22:10,26). Các nhà tiên tri Elijah và Elisha cũng qua sông Jordan ở các chỗ khô cạn (Sách Các Vua 2, 2:8,14). Elisha đã tạo ra 2 phép mầu khác trên sông này: lần thứ nhất ông chữa lành viên tướng Naaman bằng cách cho ông này tắm 7 lần ở sông này; lần thứ hai Elisha quăng 1 khúc cây xuống sông khiến cho lưỡi rìu của 1 người dân đốn cây bị rớt xuống sông nổi lên (sách Các Vua 2, 5:14, 6:6).
Trong Tân Ước, cụ thể bài Tin Mừng hôm nay thuật lại Gio-an Tẩy giả đã làm phép rửa cho Chúa Giê-su và dân chúng, Gioan rao giảng và kêu mọi người ăn năn và thống hối tại sông Jordan. Phép rửa là để tỏ lòng sám hối. Và tại khúc sông Jordan này, Gio-an Tẩy giả đã chứng thực Giêsu là Con Thiên Chúa và là Chiên Thiên Chúa (Jn 1:29-36). Tân Ước nhiều lần nói tới việc Chúa Giêsu vượt qua sông Jordan trong khi Ngài giảng đạo ( Mt 19:1; Mc10:1), và nhiều người tin theo Chúa Giê-su, họ đã vượt sông qua Jordan tới để nghe Người giảng dạy và được chữa lành bệnh tật (Mt 4:25). Khi các quân lính tìm cách bắt Người, Chúa Giêsu đã ẩn tránh bên sông Jordan ở chỗ Gio-an Tẩy giả làm phép rửa lần đầu (Jn 10:39-40).
Ngày này, sông Jordan là nguồn cung cấp nước hết sức quan trọng cho các vùng đất khô cằn trong khu vực, nhưng lại là vấn đề có sự bất đồng giữa các nước Liban, Syria, Jordan, Israel và Palestine. Dòng sông Jordan không chỉ gắn bó với đời sống con người nhưng là nơi đánh dấu công trình sứ vụ cứu độ của Đức Giê-su. Cho nên, phép rửa chúng ta lãnh nhận mang nhiều ý nghĩa mà Chúa Giê-su thực hiện đức công chính và tấn phong Người trước mặt Thiên Chúa và được Thiên Chúa công khai chấp nhận. Chúng ta thấy Chúa Thánh Thần hiện xuống dưới hình chim bồ câu và Lời Thiên Chúa phán ra:" Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người."]
Qua phép rửa, Chúa Giê-su đã tự xem mình như con người tội lỗi và thất bại cho dù Người không có tội gì. Phép rửa của Ngài là làm gương mẫu cho các môn đệ và cho chúng ta, Ngài cùng chung với kiếp sống con người. Đức Giê-su làm gương cho chúng không chỉ bằng lời dạy, bằng luật lệ và giới răn mà là bằng hành động khiêm tốn của Người: sống khó nghèo từ trong một gia đình nghèo hèn, đơn sơ nhỏ bé, Ngài hạ mình xuống nơi mang cỏ hang lừa hôi tanh, rách nát của kẻ bần cùng. Ngài vâng phục Mẹ Maria và thánh Giuse và khiêm tốn đến để lãnh nhận phép rửa của Gioan, chấp nhận là đầy tớ cho người nghèo, làm bạn đường với những người tội lỗi...Đây chính là sự khác biệt giữa Chúa Giê-su với chúng ta: Người là Thiên Chúa giàu sang, quyền thế mà tự động làm người nghèo, người chấp nhận thấp kém để quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ và phục vụ tha nhân. Còn chúng ta chỉ là tạo vật không là chỉ cả, thế mà đòi giàu sang, đòi cai trị, đòi ra lệnh và thống trị người khác và thích được cao sang chức trọng trước mặt người đời, thích được người ta khen tặng...
Trong trái tim, ai cũng có dòng sông của tuổi thơ. Dòng sông gắn liền với biết bao kỷ niệm êm đềm, thì dòng nước thiêng liêng của ngày chúng ta lãnh nhận bí tích rửa tội mang lại cho chúng ta nguồn hạnh phúc vô cùng lớn lao, vì chúng ta được làm con Thiên Chúa. Dòng nước ấy rửa sạch vết nhơ của tội lỗi của chúng ta, và chúng ta được lãnh nhận được ơn cứu độ của Thiên Chúa và được tắm mát cuộc đời chúng ta bằng nguồn suối của Chúa Thánh Thần.
Hôm nay, chúng ta được trở về dòng sông Jordan, trở về với ngày Chúa Giê-su chịu phép rửa để khám khá và nhìn ra ân huệ ơn lao này khi ta được làm con cái Thiên Chúa qua Bí tích Rửa tội. Đôi khi, dòng đời của thời gian đã cuốn trôi cuộc đời của chúng ta, nó không còn tinh tuyền và trắng trong nữa. Chính vì vậy, Giáo hội dành đặc biệt ngày lễ này để giúp cho chúng ta được ơn tái sinh và đổi mới con người của chúng ta. Đồng thời, chúng ta chiêm ngắm nơi Đức Giê-su khiêm hạ, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người và đón nhận tất cả ý thiên định của Thiên Chúa Cha.
Lạy Chúa, chúng con hạnh phúc vì được làm con Thiên Chúa, Ngài là cùng đích cuộc đời chúng con. Amen.