Vác Thập Giá Theo Chúa

07:07 16/05/2020

782

Tác giả:Lm John Nguyễn

Khi bắt đầu hành trình đi rao giảng, Chúa Giêsu chọn các tông đồ, Ngài dặn dò các ông rằng: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy.” Nghe câu nói này, chúng ta thấy nó không còn phù hợp với ý nghĩ con người trong thời đại hôm nay. Bởi vì, khi nói về thập giá, là chúng ta nói đến đau khổ, hy sinh và sự chết. Chẳng ai lại chấp nhận thập giá. Nhưng thập giá luôn có trong đời sống con người, không ai có thể thoát khỏi thập giá đời mình. Vác thập giá là một kinh nghiệm sống, mà mỗi người chúng ta cần học cách để vác nó mỗi ngày.

1/Ý nghĩa thần học về thập giá và Thánh giá.
Trước khi Chúa Giêsu chịu khổ hình thì cây gỗ treo Ngài được gọi là cây thập giá, hay còn là cây thập tự, đó một hình thức xử tử của Đế quốc La Mã dành cho các tội nhân. Họ coi cây thập giá là một biểu tượng của sự chết, sự ô nhục, điên rồ và ngu xuẩn. Họ gọi thập giá đơn giản hai khúc cây có hình chữ thập, và nó không có liên quan đến tôn giáo. Nhưng, sau khi Chúa Giêsu chịu chết trên cây thập giá để chuộc tội cho nhân loại, thì theo thần học Kitô Giáo, chúng ta gọi là "Thánh Giá". Bởi vì, Thánh Giá được xem là biểu tượng của Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Ngài cứu chuộc nhân loại bằng các chết của và phục sinh của Ngài.

2/Vác thập giá theo Chúa.
Nếu nói thập giá là một nhục hình, một hình phạt dành cho các trọng tội, thì tại sao Chúa Giê-su bảo các tông đồ và chúng ta vác thập giá đi theo Chúa. “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác Thập giá mình mà theo Ta.” Đó là lời mời gọi Chúa Giêsu dành cho những ai bước đi theo Người, để họ nhân ra rằng, điều kiện tiên quyết là phải hy sinh và chấp nhận thử thách. Đó mới là người mục tử chết cho đoàn chiên. Vì họ là môn đệ của Thầy Giêsu, thì các ngài cũng phải đón nhận thập giá của con người bằng đau khổ, hy sinh và cái chết để phục vụ cho Nước Chúa. Cùng với ý tưởng này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại trong bài giảng phong chức tại giáo triều Rôma vừa qua, Ngài nói: “Nếu một linh mục học nhiều về thần học, có nhiều bằng cấp, mà chưa học vác Thập giá Chúa Kitô, thì chưa phải là người phục vụ. Người đó có thể là một học giả tốt, có thể là một giáo sư tốt, nhưng người ấy không phải là một linh mục. Ngài nói thêm: các con đừng trở thành những “quý ông”, cũng đừng trở thành những “giáo sĩ kiểu công chức”; nhưng các con hãy trở thành người mục tử, những mục tử của Dân Chúa.

3/Thập giá đời người.
Thập giá của con người dành cho nhau là bản án, là đóng đinh, là kết tội nhau, thì Thánh Giá của Chúa Giêsu là biểu hiện sự hy sinh, khoan dung, tha thứ. Ngài chết vì yêu thương con người. Thật vậy, tình yêu mà không có hy sinh, đó chỉ là thứ tình yêu ích kỷ và giả dối. Kẻ đó chỉ biết lo cho bản thân mình, chẳng nghĩ đến Chúa và anh chị em chung quanh. Sự đau khổ suất phát từ lòng ích kỷ, đề cao cái tôi, muốn người khác phục vụ cho mình hơn là biết phục vụ người khác, lo cho bản thân hơn là quan tâm đến người bên cạnh cần được chia sẻ và cảm thông, đó là căn bệnh của sự thơ ơ, vô cảm. Thay vì, vác thấp giá đi theo Chúa thì họ chất lên vai người khác. Điều này thấy rõ trong đời sống gia đình, vợ thì đổ lỗi cho chồng, chồng đổ lỗi cho vợ, rồi trút giận lên đầu con cái. Đó là thập giá đời thường chúng ta dành cho nhau.


Tóm lại, Chúa Giêsu vác thập giá, vì lòng sự ganh ghét và kết án của con người. Ngài đón nhận vác thập giá vì tội lỗi chúng ta, và để cứu chuộc chúng ta, thì chúng ta cũng phải vác thập giá của mình để đi theo Chúa. Thập giá đó có thể là bệnh tật, ốm đau, nghèo khổ, sự sỉ nhục, ganh ghét của người đời. Mỗi nguời đều có thập giá của riêng mình. Chỉ có ai biết chấp nhận vác thập giá mình đi theo Chúa, thì mới có thể bước vào sự vinh quang hạnh phúc mai sau. Amen.