Yêu Như Chúa Yêu

03:21 16/05/2020

278

Tác giả:Lm John Nguyễn

Khi suy niệm Lời Chúa hôm nay, tôi chợt nhớ lời bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ông viết: “Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng, ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…” Sỏi đất là vật vô tri. Ấy thế mà nó vẫn cần có nhau, thì mới có thể làm thành ngôi nhà lớn. Ông đã mượn hình ảnh sỏi đá để đưa ra một triết lý sống. Con người sống với nhau cần có một tấm lòng và biết yêu thương nhau, vì không ai có thể sống mà không yêu. Thật vậy, mỗi người chúng ta cần yêu và được yêu. Ít nhất là một người nào đó trong cuộc đời. Tình yêu làm biến đổi và thăng hoa cuộc sống. Nhưng để sống đúng với ý nghĩa của tình yêu, thì chúng ta hãy học cách yêu của Chúa Giêsu dưới ánh sáng Tin mừng hôm nay.

Thánh Gioan thuật lại, trước khi Chúa Giê-su bước vào cuộc khổ nạn và chịu chết, Ngài đã trăn trối lời sau cùng cho các tông đồ một sứ điệp quan trọng, đó là: "Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau ; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em." Và điều răn mới này được hiểu như thế nào? Nó có ảnh hưởng gì đến đời sống của chúng ta?.

Trong đời sống gia đình, tình yêu là nền tảng mang lại hạnh phục. Một gia đình hạnh phúc là một gia đình biết yêu thương nhau. Vợ chồng con cái yêu thương nhau. Tất cả mọi người hiệp nhất và yêu thương nhau để mang lại niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống. Ai cũng mong ước mình được điều đó. Thế nhưng, trong thực tế cuộc sống gia đình, chúng ta phải nhìn nhận rằng, không phải ai cũng có được những hạnh phúc ngọt ngào êm đềm như dòng sông phẳng lặng. Chuyện vợ chồng xung đột cải vả, rạn nứt và đổ vỡ vẫn đang diễn ra hàng ngày trong đời sống vợ chồng, vì sự khác biệt tâm lý, về quan niệm sống, cách suy nghĩ và hành động. Từ những khác biệt đó dẫn đến cuộc sống vợ chồng trở thành gánh nặng cho nhau, trở thành ngục tù cho nhau, rồi dẫn nhau ra tòa ly dị. Khi tình yêu đã hết, thì mọi chuyện đổ vỡ sẽ xẩy ra trong gia đình. Điều này chúng ta có thể cảm nhận được nơi chính mình và mọi người đang sống chung quanh ta. Tôi thiết nghĩ rằng, khi người ta mất đi niềm tin tưởng lẫn nhau, thì họ không dám sống cho nhau, không dám hy sinh cho nhau.

Ngày nay, con người thường đề cao lối sống chủ nghĩa cá nhân, thì làm gì có sự hy sinh cho người khác. Vì họ sợ bị thiệt thòi, thua thiệt cho bản thân mình. Tính ích kỷ luôn giam hãm con người qui hướng về chính mình hơn là tha nhân, và tự biến mình trong một thế giới riêng, không dám sống cho người khác và ngay cả người thân cận của mình. Khi ta có lối suy nghĩ và cách sống như thế, thì làm gì có sự yêu thương và hy sinh cho người khác. Có thể đó là những nguyên nhân gây ra rạn nứt và đổ vỡ trong cuộc sống gia đình và mối liên hệ với tha nhân trong bối cảnh hôm nay. Cho nên, Lời Chúa vẫn là lời mời gọi thiết thực và là nền tảng cho chúng ta. Nếu sỏi đá cũng cần có nhau, thì tại sao chúng ta có thể tách biệt và loại trừ anh chị em mình, hay đang tâm hãm hại và giết chết một con người cần được sống như chúng ta, cần yêu và được yêu như chúng ta hằng khát khao, trong khi đó con người là hình ảnh Thiên Chúa.

Hơn bao giờ hết, khi nhìn ra thế giới rộng lớn, có biết bao người đang phải chịu đau khổ và bị giết chết bởi chiến tranh, thống trị và tàn bạo của con người. Cho nên, lời của Chúa Giêsu nói:" Anh em hãy yêu thương nhau" càng trở nên khẩn thiết và cấp bách hơn cho những tâm hồn còn mang nặng lòng hận thù và ghen ghét. Với niềm tin của người Kitô hữu, chúng ta không thể làm ngờ với chân lý này. Chỉ có tình yêu mới có thể biến đổi lòng hận thù. Tình yêu thì mạnh hơn sự chết. Tình yêu giúp con người xích lại gần nhau và tha thứ cho nhau." Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì người mình yêu." Hy sinh luôn là nền tảng vững chắc để tình yêu được lớn lên. Trái lại, tình yêu không có sự hy sinh là tình yêu vụ lợi, ích kỷ và giả dối. Điều này chúng ta có thể cảm nhận được khi chúng ta yêu một người nào đó. Cụ thể là tình thương của cha mẹ dành cho con cái. Cho dù có khó khăn, gian khổ và vất vả, nhưng vì yêu thương con cái và hạnh phúc gia đình, cha mẹ đã chấp nhận hy sinh.

Thật vậy, tình yêu luôn gắn liền với sự hy sinh. Nếu chúng ta sống đúng với giá trị Tin mừng, thì tình yêu đó được nẩy sinh và đôm hoa kết trái. Tình yêu đích thực có giá trị vĩnh cữu và tuyệt đối. Tình yêu đó phát xuất từ Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Chúa Giê-su chấp nhận hy sinh mạng sống của Ngài để cứu chuộc con người. Ngài đón nhận tất cả những hình phạt của con người đã gắn cho Ngài. Ngài phải chịu sự sỉ nhục, chế nhiễu, roi đòn, cáo gian, phản bội và gian ác của con người để lấy bản án tử hình trên thập giá, vì yêu thương chúng ta. Chúa Giê-su chết để chứng minh tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.

 Khi chúng ta tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Ki-tô phục sinh là cứu cánh đời mình, thì chúng ta cũng phải biết hy sinh và chết đi con người cũ của mình, chết đi tính ích kỷ, chết đi tính kiêu căng tự mãn đang giam giữ trong cõi lòng chúng ta. Khi chúng ta biết chết đi con người cũ của mình, là lúc chúng ta sống trong tình yêu mới và một cuộc sống mới hoàn thiện hơn. Nhờ đó, chúng ta mới biết trao ban, biết cho đi tình thương và đem lại hạnh phúc cho những người thân yêu đang hiện diện với chúng ta. Đã yêu thì không so đo tính toán hơn thiệt, mà tình yêu đó được gắn liền với sự hy sinh và dâng hiến cho người mình yêu.

Lạy Chúa, xin cho chúng con mỗi ngày học lại cách yêu, như Chúa đã yêu chúng con.